TÌNH HÌNH THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM TRƯỚC BỐI CẢNH MỚI

line
21 tháng 06 năm 2022

TÌNH HÌNH THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM TRƯỚC BỐI CẢNH MỚI

Tác giả: TS. Lê Thị Mai Hương - Trưởng bộ môn Kinh tế - Khoa Kinh tế - Quản trị

Tóm tắt

Dựa nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ các cơ quan ban ngành, bài viết nhằm đánh giá thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong những năm vừa qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng đều về cả vốn đăng kí, vốn thực hiện và cơ cấu vốn đầu tư đa dạng, song kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có của khu vực. Đặc biệt, trước bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Từ khóa: tình hình, thu hút, vốn đầu tư trực tiếp.

 

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam vẫn đang còn phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, làm cho tăng trưởng kinh tế của thế giới giảm xuống đến mức thấp nhất trong vòng 10 năm vừa qua. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn và đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, thu nhập của người lao động v.v trong đó, có cả tình hình thu hút vốn đầu tư vào các nước nói chung. Do tác động của Covid-19, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2020 được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đánh giá “sẽ thu hẹp từ mức 1.540 tỷ USD năm 2019 xuống dưới 1.000 tỷ USD. Theo dự báo của UNCTAD, năm 2021, dòng FDI sẽ giảm thêm từ 5% - 10% và có thể bắt đầu phục hồi từ năm 2022. Cho đến nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, khả năng dòng vốn FDI phục hồi là rất mịt mờ”. Đối với Việt Nam bắt đầu thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 1997, sau hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đây nguồn lực quan trọng góp phần đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế đất nước. FDI bổ sung nguồn vốn đáng kể cho tăng trưởng, chuyển giao công nghệ, tăng cường khả năng xuất khẩu các sản phẩm cũng như tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao mức sống của người dân (Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Quỳnh Thơ, 2017). Từ đó đến nay, khu vực có vốn FDI ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả có thể định lượng, còn có nhiều tác động lan tỏa khi dòng vốn FDI kéo theo sự thay đổi như: Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trước tình hình đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nói chung và tình hình thu hút vốn FDI nói riêng. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích, đánh giá tình hình thu hút vốn FDI tại Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

2. Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào năm 1988 đến nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng từ năm 1988 đến 1990, trong 3 năm đã có 125 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 6,2 tỷ USD. Các năm tiếp theo từ 1998 đến 2005 lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có sự gia tăng nhưng không đáng kể. Kể từ năm 2006 đến 2010, đây là giai đoạn đỉnh cao của FDI tại Việt Nam, bắt đầu làn sóng các nhà đầu tư lớn, đầu tiên là tập đoàn Intel (Mỹ) với vốn đăng ký dự án là 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảng 1. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được cấp giấy phép

giai đoạn 1988 - 2019

 

Số dự án

Tổng vốn đăng ký (Triệu đô la Mỹ) (*)

Tổng số vốn thực hiện (Triệu đô la Mỹ)

Tổng số

33.921,00

454.019,00

211.472,90

1988-1990

211

1.603,50

..

1991

152

1.284,40

428,5

1992

196

2.077,60

574,9

1993

274

2.829,80

1.117,50

1994

372

4.262,10

2.240,60

1995

415

7.925,20

2.792,00

1996

372

9.635,30

2.938,20

1997

349

5.955,60

3.277,10

1998

285

4.873,40

2.372,40

1999

327

2.282,50

2.528,30

2000

391

2.762,80

2.398,70

2001

555

3.265,70

2.225,60

2002

808

2.993,40

2.884,70

2003

791

3.172,70

2.723,30

2004

811

4.534,30

2.708,40

2005

970

6.840,00

3.300,50

2006

987

12.004,50

4.100,40

2007

1.544,00

21.348,80

8.034,10

2008

1.171,00

71.726,80

11.500,20

2009

1.208,00

23.107,50

10.000,50

2010

1.237,00

19.886,80

11.000,30

2011

1.186,00

15.598,10

11.000,10

2012

1.287,00

16.348,00

10.046,60

2013

1.530,00

22.352,20

11.500,00

2014

1.843,00

21.921,70

12.500,00

2015

2.120,00

24.115,00

14.500,00

2016

2.613,00

26.890,50

15.800,00

2017

2.741,00

37.100,60

17.500,00

2018

3.147,00

36.368,60

19.100,00

Sơ bộ 2019

4.028,00

38.951,70

20.380,00

             (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê đến hết ngày 31/12/2019, lũy kế các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của cả nước đạt 33.921 dự án, tổng vốn đăng kí đạt 454.019 triệu đô la Mỹ và tổng vốn thực hiện đạt 211.472,9 triệu đô la Mỹ. Riêng năm 2019 số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 4028 dự án, tăng 2791 dự án so với năm 2010, tức tăng 3,25 lần.

Về quy mô vốn đăng kí: vốn FDI đăng kí vào Việt Nam có sự gia tăng đều qua các năm. Giai đoạn 1988-1990 FDI đầu tư vào Việt Nam với 211 dự án và tổng vốn đăng kí đạt 1605,5 triệu USD. Kể từ năm 2006 vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, riêng năm 2008 vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt mức kỉ lục 71.726,80 triệu USD, đây mức vốn FDI đăng kí vào Việt Nam cao nhất kể từ trước tới nay. Sau thời kì đỉnh cao của thu hút vốn đầu tư FDI 2007-2008 đến năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên vốn đăng kí đầu tư của các nước vào Việt Nam giảm mạnh, chỉ đạt 1208 dự án với 23.107,50 triệu USD. Kể từ năm 2010 thu hút vốn FDI tăng đáng kể với 1237 dự án đăng kí đạt tổng vốn 19.886,80 triệu USD và duy trì đến năm 2013 với nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư chung cho cả nước nên tình hình thu hút FDI khả quan hơn.  Kể từ năm 2016 quy mô dự án FDI tăng đều qua các năm và tính đến cuối năm 2019, cả nước có 4028 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 38951,7 triệu USD. Trong giai đoạn này Việt Nam tăng cường hội nhập sâu với thế giới và có những cải thiện về chính sách liên quan đến đầu tư, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút vốn FDI như tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam và EU ký Hiệp động thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, v.v. Đến năm 2020 do chịu tác động của đại dịch COVID-19 nên dòng vốn đầu tư toàn cầu đình trệ. Trong bối cảnh đó, tình hình vốn FDI vào Việt Nam có giảm song Việt Nam vẫn thu được nguồn FDI đáng kể. Trong mười tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút được 23,5 tỷ vốn FDI, tuy thấp hơn 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là thành tựu đáng ghi nhận.

Về quy mô vốn thực hiện: theo số liệu từ Tổng cục thống kê, nguồn vốn thực hiện vào Việt Nam tăng đều qua các năm. Các số liệu thống kê quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam từ năm 2000 đến nay cho thấy, quy mô nền kinh tế của nước ta đã lớn gấp nhiều lần, trong đó khu vực FDI góp phần ngày càng nhiều hơn về: Vốn đầu tư, thu ngân sách nhà nước, GDP, xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK), việc làm, thu nhập...Theo đó, từ 1991 đến nay, vốn FDI thực hiện đã gia tăng nhanh chóng, trong giai đoạn 1991 - 2000 đạt 19,462 tỷ USD, bình quân 1,95 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2001-2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó và bình quân 5,85 tỷ USD/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991-2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó, bình quân 12 tỷ USD/năm. Bình quân giai đoạn 2010 – 2019, vốn đầu tư trực tiếp thực hiện tăng 13,56%/năm. Tổng nguồn vốn (vốn thực hiện) đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tính đến hết năm 2019 đạt 20.380 triệu USD. Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ mức độ tăng trưởng ổn định và đều đặn qua các năm. Riêng năm 2007 có sự tăng trưởng đột biến, do đây chính là thời điểm hàng loạt các tập đoàn lớn từ các nước quyết định đầu tư sau nhiều năm nghiên cứu, đánh giá thị trường Việt Nam. Nhìn chung vốn FDI thực hiện kể từ năm 2007 có xu hướng tăng đều cho đến nay. Cụ thể, năm 2010 vốn thực hiện FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 11.000 triệu USD, đến năm 2015 nguồn vốn này tăng lên và đạt 15.400 triệu USD. Năm 2019, vốn thực hiện FDI vào Việt Nam đạt 20.380 triệu đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010. Đến cuối năm 2019, đầu 2020 dịch covid bùng phát mang tính toàn cầu, Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực FDI và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư. Số lượng các dự án FDI mới vào Việt Nam giảm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp FDI dẫn đến việc trì trệ trong thực hiện các dự án FDI. Nhiều doanh nghiệp FDI rơi vào tình trạng xuất khẩu cầm chừng hoặc dừng do thiếu nguyên phụ liệu chưa được thông quan, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và đáp ứng được các đơn hàng theo thời gian. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI bị thiếu nhân lực do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển nguyên nhiên liệu cho sản xuất bằng đường biển, đường hàng không thay cho đường bộ cho nên chi phí logistic tăng cao. Không nằm ngoài xu thế đó, doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn về tài chính do thị trường tiêu thụ giảm mạnh, sản xuất đình trệ và giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước có dịch như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Về cơ cấu vốn đầu tư:

Hình thức đầu tư: các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hợp tác kinh doanh dựa trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, đầu tư theo hình thức xây dựng- vận hành- chuyển giao (BOT), đầu tư theo hình thức xây dựng- chuyển giao- kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT), đầu tư thông qua mô hình công ty mẹ và con (Holding company), hình thức công ty cổ phần,  Hình thức đầu tư mua lại và sáp nhập M&A (Merger & Acquisition), hình thức công ty hợp danh. Nếu như những năm trước đây, đầu tư của các dự án FDI theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ cao thì những năm trở lại đây, xu hướng đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp (M&A) phổ biến hơn. Trong năm 2015 và 2016, lần lượt trên 86% và 80% các dự án FDI được cấp phép thực hiện dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những năm tiếp sau đó, hoạt động M&A được các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng hơn, cụ thể: năm 2017 chiếm 17,02%,  năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 56,4% tổng vốn đăng ký. Đây là dấu hiệu tích cực cho nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Bằng cách mở rộng liên doanh, cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường cơ hội tiếp thu công nghệ cao, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý thông qua đầu tư, sản xuất - kinh doanh trực tiếp với chi phí thấp hơn so với các hình thức đầu tư khác. Có hai nguyên nhân chính cho vấn đề này, bao gồm: (i) Quy mô doanh nghiệp trong nước đáp ứng nguồn cung cho M&A; (ii) Chính sách mở cửa của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây có hiệu quả.

Về cơ cấu vốn đầu tư: Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ kế hoạch và đầu tư, tính đến nay các nước đầu tư vốn FDI vào ba lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và lĩnh vực nông nghiệp với 18/18 ngành kinh tế của Việt Nam

Bảng 2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được cấp giấy phép

năm 2019 phân theo ngành Kinh tế

Ngành

Số dự án

Tổng vốn đăng ký

(Triệu đô la Mỹ)(*)

Công nghiệp chế biến, chế tạo

1.365,00

25.196,00

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

1.140,00

2.594,00

Hoạt động kinh doanh bất động sản

127

3.860,40

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ

518

1.839,90

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

18

104,1

Khác

860,00

5.357,30

Tổng

4.028,00

38.951,70

            (Nguồn: Tổng cục thống kê)

Các nước đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.365 dự án đầu tư và tổng vốn đầu tư đạt 25,196 tỷ đồng, chiếm 64,68% trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đa phần các dự án từ nhà đầu tư Singapore (438 dự án và 13,4 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 43% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này), tiếp đến là Hàn Quốc (184 dự án và 5,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 18,2% tổng số dự án và 26% tổng vốn đầu tư). Trong lĩnh vực này, các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực điện, điện tử, dệt may.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản:

Đây là lĩnh vực đứng thứ hai mà các nước  đầu tư vào Việt Nam với 127 dự án và tổng vốn đầu tư 3860 triệu USD, chiếm 9,9% trong tổng vốn đầu tư. Các dự án bất động sản của các nước tập trung chủ yếu tại Tp.HCM và Hà Nội do đây là 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước, rất thuận lợi cho việc phát triển các dự án bất động sản.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác: đây là lĩnh vực đứng thứ ba mà các nước đầu tư vào Việt Nam với 1140 dự án và tổng vốn đăng kí đạt 2.594 triệu USD.

Lĩnh vực nông nghiệp:

Hiện nay các nước đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta, song mức vốn đầu tư khá nhỏ, với 18 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 105 triệu USD, chỉ chiếm 2,71% trong tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Trong số các nước thì Thái Lan có tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất (29 dự án và 477 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 44% tổng vốn đầu tư của ngành nông nghiệp ). Tiếp theo là Singapore (28 dự án và 335 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 30,8%). Nhìn chung, lĩnh vực nông nghiệp chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài do lợi nhuận mang lại thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém...Nhìn chung, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, cơ khí, y tế, giáo dục và đào tạo là những lĩnh vực được ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI.  

Về đối tác đầu tư:

Trong số các quốc gia đầu tư vốn FDI thực tế vào Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và luôn đứng vị trí đứng đầu, đến hết tháng 12/2019, nguồn vốn FDI của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 68102 triệu USD, chiếm 18,74% trong tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Đứng vị trí thứ hai là Nhật Bản có vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 59364,2  triệu USD và vị trí thứ ba là Singapore đạt 49772 triệu USD.

Bảng 3. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép phân theo đối tác đầu tư chủ yếu (Luỹ kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12/2019)

 

Quốc gia

Số dự án

Tổng vốn đăng ký

(Triệu đô la Mỹ) (*)

Tổng số

30.943,00

363.309,70

Hàn Quốc

8.504,00

68.102,30

Nhật Bản

4.402,00

59.364,20

Xin-ga-po

2.424,00

49.772,40

Đài Loan

2.695,00

32.378,40

Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ)

1.751,00

23.722,20

Quần đảo Virgin thuộc Anh

841

21.722,60

CHND Trung Hoa

2.826,00

16.284,40

Ma-lai-xi-a

617

12.634,60

Thái Lan

563

10.908,30

Hà Lan

345

10.053,20

Hoa Kỳ

991

9.307,50

Khác

4.984,00

49.059,60

                                                                                                             (Nguồn: Tổng cục thống kê)

Như vậy, thông qua kết quả phân tích nêu trên cho thấy đầu tư FDI của các nước tại Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận qua các giai đoạn song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và những cam kết hợp tác trong khu vực. Việt Nam có những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư, và nhiều cam kết cho hội nhập... đây sẽ là những lợi thế vô cùng thuận lợi để thúc đẩy đầu tư của các nước vào Việt Nam. Tuy nhiên, những kết quả vừa qua chưa phản ánh đúng tình hình cũng như tiềm năng hợp tác giữa các quốc gia và Việt Nam. Đặc biệt trước đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực FDI và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới. Riêng đối với các doanh nghiệp có vốn FDI trước bối cảnh dịch bệnh này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất định, các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư, Nhiều doanh nghiệp FDI rơi vào tình trạng xuất khẩu cầm chừng hoặc dừng do thiếu nguyên phụ liệu chưa được thông quan, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và đáp ứng được các đơn hàng theo thời gian. Nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển nguyên nhiên liệu cho sản xuất bằng đường biển, đường hàng không thay cho đường bộ cho nên chi phí logistic tăng cao, các doanh nghiệp bị thiếu nhân lực do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn về tài chính do thị trường tiêu thụ giảm mạnh, sản xuất đình trệ và giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước có dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều dự báo nhận định rằng trong thời gian sắp tới làn sóng đầu tư mới sẽ xuất hiện ở Việt Nam và dự kiến sẽ đem lại sự gia tăng mạnh thu hút dòng vốn này, do Việt Nam chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống dịch, cũng như việc Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nên Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp.

3. Kết luận

Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Việt Nam đã thành công trong thu hút vốn FDI trong những năm vừa qua. Tuy nhiên trước tình hình đại dịch Coivd-19, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hút vốn FDI, làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Do vậy, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng, có giải pháp đồng bộ, phù hợp để để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước tình hình mới.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Văn Dũng (2020). Thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam và những vấn đề đặt ra hiện nay. Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 9/2020.
  2. Nguyễn Thị Mai Hương (2017). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành nông nghiệp Việt Nam: thực trạng và giải pháp. Tạp chí khoa học và công nghệ Lâm nghiệp, số 3,2017.
  3. OECD (2013). OECD Investment Policy Reviews: Malaysia 2013,
    https://www.oecd.org/daf/inv/investment-policy/IPRMalaysia2013Summary.pdf

4.      Nguyễn Quỳnh Thơ (2017). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Luận án tiến sĩ kinh tế - Học viện Ngân hàng.