THỰC TRẠNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

line
04 tháng 09 năm 2023

THỰC TRẠNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Tác giả: TS. Trần Anh Dũng

Tóm tắt

Bài viết sử dụng nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ Tổng cục Thống kê nhằm đánh giá thực trạng lực lượng lao động ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy lực lượng lao động ở Việt Nam có xu hướng gia tăng kể từ năm 2010 cho đến nay, trong đó lao động có độ tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao và lao động làm việc ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lực lượng lao động của cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam vẫn còn khá thấp và lao động còn tập trung nhiều ở vùng nông thôn.

Từ khóa: lực lượng lao động, vấn đề đặt ra, thực trạng, Việt Nam

 

1/Giới thiệu

1/Giới thiệu

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề lao động có vai trò quan trọng, mang tính cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia có dân số đông, với hơn 98,5 triệu người vào năm 2021. Đặc biệt số người trong độ tuổi lao động ngày một gia tăng và chiếm tỷ trọng cao trong dân số (51,26%). Trong quá trình hội nhập và phát triển nền kinh tế, Đảng và nhà nước ta luôn coi trọng nhân tố con người, là một trong những nhân tố tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục xác định: “phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”; “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược…”, “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục đào tạo” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011).Với mức tăng nguồn lao động như hiện nay thì mỗi năm nước ta có thêm khoảng hơn một triệu lao động. Việt Nam là một quốc gia có quy mô dân số lớn, tháp dân số tương đối trẻ và đang bước vào thời kì "cơ cấu dân số vàng" với một nguồn nhân lực dồi dào. Việc gia tăng dân số trong những năm qua kéo theo việc gia tăng về lực lượng lao động. Đây cũng được coi là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, quy mô lực lượng lao động ngày một gia tăng và tỷ lệ lao động ngày một gia tăng qua từng năm song nguồn lực lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2.Thực trạng lao động của Việt Nam hiện nay

Lực lượng lao động ở Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Theo số liệu công bố của Tổng Cục thống kê được trình bày ở bảng 1 thì năm 2010 tổng lực lượng lao động ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đạt 50,4 triệu người. Tỷ lệ lao động 15 tuổi có xu hướng gia tăng qua các năm và đạt mức 50,56 triệu người vào năm 2021. Xét đến cơ cấu lực lượng lao động theo giới tính, tỷ lệ lao động nam lại nhiều hơn nữ với mức dao động từ hơn 51,4%-53,48%. Tuy nhiên, sự chênh lệch này là không đáng kể và cho thấy rằng lao động nữ chiếm một lực lượng khá đông đảo. Cơ cấu lực lượng lao động phân theo khu vực thành thị và nông thôn cũng có những sự chênh lệch đáng kể. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm dao động từ 63%-73% và có xu hướng giảm xuống kê từ năm 2010 đến nay nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Năm 2021, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm 63,34% trong tổng lực lượng lao động của Việt Nam. Nguyên nhân là do nước ta là nước nông nghiệp, dân cư tập trung chủ yếu ở vùng thôn và tập trung vào sản xuất nông nghiệp là chính. Ngoài ra, công việc ở vùng nông thôn đa phần là những công việc giản đơn, không yêu cầu trình độ kỹ thuật tay nghề cao, khác với khu vực thành thị tập trung nhiều doanh nghiệp nên đòi hỏi lao động có trình độ tay nghề cao, có tính kỷ luật lao động.

Bảng 1: Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên phân theo giới tính, khu vực

 

Năm

Tổng số

Nam

Nữ

Thành thị

Nông thôn

 

Tổng số (Nghìn người)

2010

50.473,50

25.945,60

24.527,90

14.262,40

36.211,10

 

2011

51.594,30

26.595,40

24.998,90

15.136,30

36.458,00

 

2012

52.616,60

27.072,20

25.544,40

15.586,00

37.030,60

 

2013

53.549,30

27.554,90

25.994,40

15.950,70

37.598,60

 

2014

54.040,70

27.836,70

26.204,00

16.656,00

37.384,70

 

2015

54.266,00

28.133,30

26.132,70

16.913,80

37.352,20

 

2016

54.482,80

28.273,60

26.209,20

17.126,20

37.356,60

 

2017

54.819,60

28.513,60

26.306,00

17.416,10

37.403,50

 

2018

55.388,00

28.911,40

26.476,60

17.864,20

37.523,80

 

2019

55.767,40

29.370,60

26.396,80

18.094,50

37.672,90

 

2020

54.842,94

28.866,11

25.976,83

18.171,93

36.671,01

 

2021

50.560,50

27.041,30

23.519,20

18.535,00

32.025,50

 

Cơ cấu (%)

2010

100,00

51,40

48,60

28,30

71,70

 

2011

100,00

51,50

48,50

29,30

70,70

 

2012

100,00

51,50

48,50

29,60

70,40

 

2013

100,00

51,50

48,50

29,80

70,20

 

2014

100,00

51,50

48,50

30,80

69,20

 

2015

100,00

51,80

48,20

31,20

68,80

 

2016

100,00

51,90

48,10

31,40

68,60

 

2017

100,00

52,00

48,00

31,80

68,20

 

2018

100,00

52,20

47,80

32,30

67,70

 

2019

100,00

52,70

47,30

32,40

67,60

 

2020

100,00

52,60

47,40

33,10

66,90

 

2021

100,00

53,48

46,52

36,66

63,34

 

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó cũng theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê thì trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước thì lao động từ độ tuổi 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, dao động từ 59,4% - 63,1% và lao động trong độ tuổi này có xu hướng ngày một gia tăng kể từ năm 2010 đến nay và chiếm 63,1% trong tổng số lực lượng lao động vào năm 2021. Tiếp theo là lực lượng lao động ở độ tuổi từ 50 tuổi trở lên chiếm tỷ trọng dao động từ 20,3% - 27% trong tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Lao động từ 15-24 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta và có xu hướng giảm kể từ năm 2010 cho đến nay, từ mức 18,3% trong năm 2010 giảm xuống còn 10,08% vào năm 2021.

Bảng 2: Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên phân theo nhóm tuổi

Tổng số

Tổng số

15 - 24

25 - 49

50+

2010

100,00

18,30

61,40

20,30

2011

100,00

16,50

61,30

22,20

2012

100,00

15,10

61,10

23,80

2013

100,00

14,90

59,90

25,20

2014

100,00

14,10

59,70

26,20

2015

100,00

14,80

59,30

25,90

2016

100,00

13,80

59,60

26,60

2017

100,00

13,90

59,40

26,70

2018

100,00

12,80

60,20

27,00

2019

100,00

12,80

61,50

25,70

2020

100,00

11,10

63,10

25,80

2021

100,00

10,08

63,10

26,83

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xét về loại hình kinh tế: theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê thì lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất, trên 80% và đạt mức 82,6% trong tổng số lực lượng lao động của cả nước vào năm 2021. Đây là loại hình kinh tế tập trung nhiều thành phần kinh tế tham gia, bao gồm lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần có vốn nhà nước và công ty cổ phần không có vốn nhà nước. Lao động làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm xuống, từ mức 10,2% trong tổng số lực lượng lao động đã giảm xuống còn 8,05% vào năm 2021. Lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng gia tăng qua các năm, từ mức 3,5% tương ứng với 1.729,2 nghìn lao động đã tăng lên và đạt 4.586,3 nghìn lao động vào năm 2021, chiếm tỷ lệ 9,35% trong tổng số lực lượng lao động của cả nước.

Bảng 3: Lao động làm việc theo loại  hình kinh tế

Năm

Tổng số

Kinh tế

Nhà nước

Kinh tế ngoài Nhà nước

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Tổng số (Nghìn người)

2010

49.124,40

5.025,20

42.370,00

1.729,20

2011

50.547,20

5.024,80

43.423,80

2.098,60

2012

51.690,50

5.017,40

44.423,30

2.249,80

2013

52.507,80

4.994,90

44.994,60

2.518,30

2014

53.030,60

4.893,20

45.269,30

2.868,10

2015

53.110,50

4.779,90

45.132,80

3.197,80

2016

53.345,50

4.702,30

45.052,20

3.591,00

2017

53.708,60

4.595,40

44.905,40

4.207,80

2018

54.282,50

4.525,90

45.215,40

4.541,20

2019

54.659,20

4.226,20

45.664,60

4.768,40

2020

53.609,60

4.098,40

44.777,40

4.733,80

2021

49.072,00

3.951,70

40.534,00

4.586,30

Cơ cấu (%)

2010

100,00

10,20

86,30

3,50

2011

100,00

9,90

85,90

4,20

2012

100,00

9,70

85,90

4,40

2013

100,00

9,50

85,70

4,80

2014

100,00

9,20

85,40

5,40

2015

100,00

9,00

85,00

6,00

2016

100,00

8,80

84,50

6,70

2017

100,00

8,60

83,60

7,80

2018

100,00

8,30

83,30

8,40

2019

100,00

7,70

83,60

8,70

2020

100,00

7,64

83,60

8,83

2021

100,00

8,05

82,60

9,35

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về trình độ của lao động: Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê được trình bày ở bảng 4 cho thấy tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào ở Việt Nam hiện đang có xu hướng gia tăng kể từ năm 2010 cho đến nay. Vào năm 2010 tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đạt tỷ lệ 16,5% và gia tăng lên mức 28,52% vào năm 2021. Nguyên nhân là do nước ta chuyển đổi quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhà nước đưa ra các biện pháp nâng cao tay nghề,... khắc phục tình trạng yếu trình độ chuyên môn...Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá thấp, do hạn chế về trình độ chuyên môn, thể lực và tay nghề,...Các đội ngũ lành nghề, có trình độ cao còn thiếu nhiều. Quá trình đô thị hoá ở nông thôn diễn ra chậm nên lao động qua đào tạo còn hạn chế. Trong khi ở thành thị đô thị hoá diễn ra tốc độ nhanh nên lao động qua đào tạo chiếm phần nhiều hơn với lao động không qua đào tạo.

Bảng 4: Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo phân theo giới tính và phân theo thành thị, nông thôn

 

Năm

Tổng số

Nam

Nữ

Thành thị

Nông thôn

2010

14,70

16,50

12,80

30,50

8,50

2011

15,60

17,30

13,70

30,90

9,20

2012

16,70

18,70

14,60

32,00

10,30

2013

18,20

20,60

15,70

34,10

11,50

2014

18,70

20,80

16,40

34,80

11,50

2015

20,40

22,80

17,90

36,90

13,00

2016

20,90

23,20

18,40

37,30

13,40

2017

21,60

24,00

19,00

37,70

14,10

2018

22,00

24,40

19,40

37,30

14,70

2019

22,80

25,00

20,30

39,00

14,90

2020

24,05

26,92

20,87

39,71

16,29

2021

26,10

28,52

23,33

41,05

17,45

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

3.Một số vấn đề đặt ra với lực lượng lao động ở Việt Nam

Mặc dù thời gian qua lực lượng lao động đa tăng lên cả về số lượng cũng như trình độ chuyên môn, song cũng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với lực lượng lao động Việt Nam hiện nay. Cụ thể như sau:

Lao động hiện nay phân bổ không đồng đều giữa các nhóm tuổi, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 25-49 tuổi; Lao động còn tập trung nhiều ở khu vực nông thôn và theo giới tính thì lao động là nam vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn lao động là nữ.

Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực cũng như tác phong lao động công nghiệp còn yếu kém nên khả năng cạnh tranh thấp. Về thể lực, thể lực của các lao động Việt Nam còn ở mức trung bình kém cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai nên chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu về sử dụng các thiết bị máy móc theo chuẩn quốc tế. Kỷ luật lao động của lao động Việt Nam nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong quá trình sản xuất công nghiệp. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp. Phần lớn những người lao động xuất thân từ nông thông, vẫn còn mang nặng những tác phong sản xuất của một nền nông nghiệp tiểu nông, chưa được chuẩn chỉ về giờ giấc và hành vi. Ngoài ra, người lao động chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro còn kém, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc. 

Còn có nhiều rào cản, hạn chế trong vấn đề dịch chuyển lao động. Phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh...trình độ học vấn của lao động di cư còn thấp và phần đa là chưa qua đào tạo nghề. Hầu hết ở các khu công nghiệp và khu chế xuất - những nơi sử dụng tới 30% lao động di cư còn thiếu các dịch vụ hạ tầng cơ sở xã hội cần thiết như kí túc xá, nhà trẻ, nhà văn hoá... Lao động di cư ít có những cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính tình trạng trên đã dẫn tới hậu quả là nguồn cung lao động không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng, các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Xu thế hội nhập và ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng mạnh mẽ sẽ làm tác động biến đổi thị trường lao động, cụ thể là có nhiều các ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công mất đi; điều này đồng nghĩa với việc người lao động ở các quốc gia cũng sẽ mất đi nhiều việc làm, cơ hội việc làm nhưng cũng mở ra cơ hội xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ cao hơn. 

Đối với Việt Nam, một quốc gia có xuất phát điểm cũng như nền tảng, trình độ còn nhiều hạn chế thì thị trường lao động sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức như: nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ gặp rất nhiều những thách thức: nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố để tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư từ nước ngoài; sức ép về vấn đề giải quyết việc làm với sự gia tăng về tỉ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi robot hay các trang thiết bị thông minh; thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin... Chất lượng lao động ở nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu trong phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều những bất cập. Còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật có trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới.

Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực và ngành nghề kinh tế. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, chủ yếu lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, khu vực phi chính thức và năng suất thấp.

Năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố trong năm 2019, năng suất của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan, thấp hơn nhiều so với những đối tác đã có các hiệp định quan trọng với ASEAN. Tỉ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 26%, khiến một bộ phận người lao động khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự phù hợp

 

4.Kết luận

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và đang trong thời kỳ dân số vàng. Đây là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, lực lượng lao động của Việt Nam vẫn còn hạn chế, đó là tập trung nhiều ở khu vực nông thôn và lao động đã qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ khá thấp. Do đó, để nâng cao tỷ lệ lao động lao động đã qua đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lao động thì cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ cùng những giải phải pháp cụ thể góp phần nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong thời gian sắp tới.

 

Tài liệu tham khảo

1.Đảng Cộng Sản Việt Nam (2011) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI” NXB Quốc gia sự thật, Hà Nội, Tr.130

2.Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI

3.Nguyễn Thúy Quỳnh (2021) “Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam”. Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3/2021

4.Phạm Thị Bạch Tuyết (2014) “Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với lao động ở Việt Nam hiện nay” Tạp chí khoa học ĐH Sư Phạm TP.HCM, số 60 năm 2014.