Những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghệ số đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng của Việt Nam
Thực sự, xu hướng phát triển công nghệ hiện đại trong ngành ngân hàng bắt đầu hình thành từ năm 2016 thông qua Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% đến cuối năm 2020. Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn phù hợp đế các NHTM làm cơ sở triển khai ứng dụng các thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các NHTM xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, cho phép chia sẻ, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực như: mobile banking kết nối với viễn thông, điện lực, hàng không, vận tải, y tế, sàn giao dịch điện tử, siêu thị, v.v. Cũng theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước (2019), số lượng giao dịch qua Internet là trên 419,6 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 22,2 triệu tỷ đồng (tương ứng tăng 64,1% và 37,3% so với cuối năm 2018); số lượng giao dịch qua điện thoại di động là hơn 552 triệu giao dịch, với giá trị khoảng gần 5,8 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 198,4% và 210,4% so với cuối năm 2018). Năm 2020, trong khi dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% xã, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.
Những thông tin cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ số của thị trường Việt Nam rất tích cực, từ yếu tố pháp lý, hạ tầng kỹ thuật đến khả năng đáp ứng của thị trường. Theo Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số (PwC, 2021), Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động để thanh toán hàng hoá, dịch vụ tăng từ 37% lên 61%. Những yếu tố trên tạo ra cơ hội cực kì lớn cho quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng. Và như phân tích ở những phần trước, những ứng dụng vượt trội của AI và BD sẽ giúp cho các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu hướng phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra. Song vẫn còn nhiều thách thức mà các ngân hàng và các tổ chức tài chính Việt Nam phải đối mặt.
Thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng là nó đòi hỏi chi phí rất lớn và các khoản đầu tư cho việc chuyển đổi có thể chưa mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn. Điều này khiến cho nhiều ngân hàng còn do dự trong việc triển khai ứng dụng công nghệ mới. Do vậy, dù xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhưng mức độ đầu tư cho công nghệ cũng như quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng là không đồng đều. Hơn nữa, không phải tất cả các công nghệ đều đáng đầu tư. Vì thế, sự thành công của việc chuyển đổi mô hình ngân hàng số còn phụ thuộc vào việc lựa chọn đầu tư đúng đắn, cũng như nỗ lực và thái độ của chính ngân hàng trước các thay đổi.
Thứ hai, hạ tầng công nghệ thông tin của các ngân hàng tại Việt Nam còn chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để có thể khai thác triệt để và tối ưu hết các lợi ích từ BD. Hiện nay tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, khi sử dụng BD đều phải thông qua một công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài. Hơn nữa, hệ thống khai thác BD tại Việt Nam còn khá manh mún, chưa có tính thống nhất. Các ngân hàng cũng cần phải được tính toán để có thể kết nối vào được kho cơ sở dữ liệu truyền thống, đây cũng là một trong những thách thức lớn cần được giải quyết.
Thứ ba, khung pháp lý về việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam chưa đầy đủ, chưa có quy định về chuẩn kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng. Việc kết nối và chia sẻ vẫn được thực hiện chủ yếu dưới hình thức song phương và theo cách thức riêng biệt của các tổ chức tham gia. Chưa có một tiêu chuẩn, hướng dẫn chung để các tổ chức khác có thể xây dựng theo để tiết kiệm thời gian và công sức triển khai. Hệ thống Cơ sở dữ liệu định danh quốc gia cho công dân chưa hoàn thiện và chưa có cơ chế để các ngân hàng có thể thực hiện đối chiếu, xác minh khách hàng trực tuyến (e-KYC).
Thứ tư, ngành tài chính – ngân hàng hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực chuyên sâu gắn với ngân hàng và công nghệ. Việc chuyển đổi số ngân hàng đòi hỏi lực lượng nhân sự nắm vững về các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, Blockchain, v.v. Nguồn nhân lực được đào tạo trong nước chưa đáp ứng được do các chương trình đào tạo đại học thay đổi chậm, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến
Cuối cùng là các vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống ngân hàng. Xu thế tội phạm công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam đang ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Năm 2019, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 51% các vụ lừa đảo trên mạng (năm 2018 là 44,7%). Lợi ích tài chính là động cơ chính của tội phạm mạng chiếm đến 86%. Khoảng 30% sự cố an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính là do cuộc tấn công ứng dụng web (Tô Hà, 2021).