TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẾN XUẤT KHẨU
THỦY SẢN VIỆT NAM
Tác giả: Nguyễn Minh Xuân Hương, , Giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Văn Hiến
Tóm tắt
Dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới những thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Pháp... Chính sách cách ly người dân, sự ngưng trệ trong giao thông - phân phối, cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến thị trường thủy sản biến động mạnh. Giá hầu hết các loại thủy sản đều sụt giảm nghiêm trọng. Bài viết này phân tích và đánh giá thực trạng của ngành xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid, cũng như đưa ra một số đề xuất cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam để có thể vượt qua đại dịch và tiếp tục phát triển bền vững.
Từ khóa: Covid-19, xuất khẩu, thủy sản.
Abstract
The rapid spread of Covid-19 epidemic globally has seriously affected the world's largest seafood consumption markets such as the US, China, Italy, Spain and France. The quarantine policy, disruption in transportation and distribution as well as interrupted supply chain have caused a strong volatility in the seafood market. The prices of most seafoods have dropped dramatically. This article analyzed and evaluated the current situation of seafood export industry in Vietnam under the impact of the Covid pandemic, as well as suggested some solutions for Vietnam's seafood export industry to overcome the pandemic and continue to develop sustainably.
Keyword: Covid-19, export, seafood.
1. Mở đầu
Từ những ngày đầu năm 2020, thế giới đã bắt đầu một đại dịch toàn cầu và một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc không thể lường trước. Dưới tác động của đại dịch này, những yêu cầu về thay đổi các hoạt động và thói quen hàng ngày của con người được diễn ra một cách nhanh chóng. Những thay đổi về cách thức làm việc, sản xuất và tiêu dùng được quyết định rất đột ngột và mạnh mẽ, khiến cho năm 2020 trở thành một năm đáng ghi nhớ trong một thời gian dài sắp tới.
Khởi nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, đến nay, đại dịch Covid-19 đã bùng phát ở trên 221 quốc gia. Theo thống kê, đến tháng 4 năm 2021, thế giới ghi nhận gần 142 triệu ca nhiễm. Mỹ là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới, tiếp theo là Ấn Độ, Brazil, Pháp và Nga (Hình 1).

Hình 1. Số lượng ca nhiễm Covid-19 trên thế giới và Việt Nam, tính đến ngày 28/04/2021
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/Covid-19-cap-nhat-moi-nhat-lien-tuc-n168210.html)
Covid-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây nên. Mỗi ngày, thế giới có hàng trăm ngàn ca mắc mới, hàng nghìn người tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại, thậm chí lây lan nhanh tại một số quốc gia sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội như Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan trong những tuần vừa qua. Tại khu vực ASEAN, Indonesia trở thành là quốc gia dẫn đầu khu vực về tổng số trường hợp mắc và số bệnh nhân tử vong, quốc gia này ghi nhận hơn 1,57 triệu ca. Tại Việt Nam, số ca nhiễm là 2.785 người, tử vong 35 người.
Đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng sâu rộng và nghiêm trọng đến nền kinh tế của từng quốc gia và trên quy mô toàn cầu. Không nằm ngoài vùng ảnh hưởng, ngành xuất khẩu thủy sản trên thế giới cũng đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong năm 2020 so với năm trước đó (Bảng 1).
Bảng 1. Danh sách 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới trong 2 năm 2019-2020

(Nguồn: http://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/tin-tong-hop/thi-truong-the-gioi/my-ra-khoi-top-10-nuoc-xuat-khau-thuy-san-hang-dau-the-gioi-21360.html)
Việt Nam là một quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, và cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù nước ta đã bước đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa. Trong đó, một số ngành như xuất - nhập khẩu, du lịch, hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm bị tác động trực tiếp. Năm 2020, do diễn tiến của dịch bệnh phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu thủy sản Việt Nam không tránh khỏi sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu, từ 8,58 tỷ USD năm 2019 xuống 8,41 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô..thậm chí giải thể, phá sản.
Do giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh dẫn đến cung cầu về các mặt hàng thủy sản, vận chuyển, tiếp nhận khó khăn. Tác động của Covid-19 được thể hiện rất rõ với những mặt hàng có phân khúc thị trường cao như tôm hùm, ốc hương, cá sông, sản phẩm khai thác cá ngừ… khi giá cả các mặt hàng này bị sụt giảm nghiêm trọng.
Để hạn chế thiệt hại, Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con giảm mật độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm; cân đối giữa thực tế sản xuất và khả năng tiêu thụ, từ đó có kế hoạch chủ động trong sản xuất nguồn nguyên liệu, tránh rủi ro và tránh ùn ứ. Về lĩnh vực khai thác, Bộ đã đề ra kế hoạch cụ thể cho những đối tượng khác nhau, từ nông dân đến cơ sở thu mua chế biến; lập ra những tổ chức liên kết các bên; minh bạch, chia sẻ thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất để không bị thụ động. Như vậy, Việt Nam một mặt vừa chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo sản xuất nguyên liệu, sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là trong ngành thủy sản.
2. Tổng quan về ngành thủy sản Việt Nam
Ngày nay, cùng với việc gia tăng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, việc chú trọng vào thương mại toàn cầu cũng phát triển một cách nhanh chóng. Sự bùng nổ dân số thế giới cộng với hậu quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm đất canh tác trong nông nghiệp ngày càng thu hẹp; bên cạnh đó, sự diễn biến bất lợi của thiên nhiên, môi trường sống…sẽ làm cho lương thực thực phẩm là mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới.
Trong điều kiện đó sản phẩm thủy sản ngày càng chiếm vị trí quan trọng, vì vậy việc phát triển ngành thủy sản tiếp tục là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Thủy sản là một trong những ngành hoạt động kinh tế nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ngành thủy sản không những đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho con người và còn là một ngành kinh tế đem đến những cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn và vùng ven biển.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đến nay thủy sản Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, vươn lên đứng vị trí thứ 4 về xuất khẩu thủy sản trên thế giới, đứng thứ 3 về sản lượng nuôi trồng thủy sản và đứng thứ 13 về sản lượng khai thác thủy sản. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid trên toàn cầu nhưng trong năm 2020 ngành thủy sản nước ta vẫn giữ được kết quả phấn khởi cả về sản xuất nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước đạt 1,3 triệu ha. Sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn (Hình 2), trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn và sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn. Sản phẩm thủy sản chủ lực bao gồm tôm nuôi với 950 nghìn tấn (tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm chân trắng 632,3 nghìn tấn, tôm khác 50 nghìn tấn), và cá tra với 1.560 nghìn tấn.
Năm 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là tôm và cá tra, xuất sang những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc...

Hình 2. Sản lượng thủy sản Việt Nam giai đoạn 1995 - 2000
(Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP)
3. Thực trạng tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
3.1. Các sản phẩm xuất khẩu chính
Sản phẩm xuất khẩu của thủy sản Việt Nam chủ yếu là tôm và cá tra (Hình 3).

Hình 3. Các sản phẩm xuất khẩu của thủy sản Việt Nam năm 2020
(Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP)
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, giá cả tụt dốc, nguồn cung nguyên vật liệu khan hiếm, thời tiết diễn tiến khó lường ảnh hưởng đến nuôi trồng, tiêu thụ. Theo Hiệp hội VASEP, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam cũng biến động theo xu hướng thị trường. Các sản phẩm xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh; trong đó, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá khô giảm nhẹ, nhưng đặc biệt xuất khẩu cá tra lại giảm sâu. Kim ngạch xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam năm 2020 được trình bày trong Hình 4.
Với sản phẩm cá tra, xuất khẩu đạt giá trị khoảng 1,54 tỷ USD trong năm 2020, giảm gần 23% so với năm 2019 (Hình 4). Thị trường xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chiếm phần lớn, tiếp sau đó Mỹ, EU, ASEAN và Anh. Nguyên nhân giảm mạnh là do dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng ở Trung Quốc, mà thị trường Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam (chiếm tỷ lệ 35%). Các hệ thống bán lẻ, siêu thị, hệ thống phân phối, hệ thống giao nhận… tại thị trường này đều bị tắc nghẽn.
Tuy nhiên, với sản phẩm tôm, số liệu từ Hình 3 cho thấy mặt hàng tôm vẫn gặt hái những thành công nhất định. Xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất và ổn định nhất trong nhóm sản phẩm xuất khẩu, chiếm tỷ lệ gần 50% trong tổng mặt hàng thủy sản. Xuất khẩu tôm đạt giá trị khoảng 3,85 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2019 (Hình 4).

Hình 4. Kim ngạch xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam năm 2020
(Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP)
3.2. Các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam
Trong những năm gần đây, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ, thị trường Mỹ và Nhật Bản cũng duy trì tăng trưởng khả quan trong khi thị trường EU thì lại có phần chững lại.
Năm 2019, sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang 158 nước và vùng lãnh thổ. Ba thị trường chính là EU chiếm 15%, Mỹ chiếm 17% và Nhật Bản chiếm 17% và đang có những thị trường tiềm năng như Trung Quốc (17%) và ASEAN (8%).
Năm 2020, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Những thị trường lớn bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean, Australia, Anh, Canada, Nga chiếm khoảng 92% tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Hình 5). Việc xuất khẩu năm 2020 qua các thị trường EU giảm 3,6%.

Hình 5. Các thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam năm 2020
(Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP)
3.3. Đánh giá tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Trong những năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị trí thứ 3 trong các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và NaUy), tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt gần 8,8 tỷ USD. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 5,6% so với 2018, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 6,5%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt gần 8,6 tỷ USD, chiếm hơn 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018.
Năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc với 1,472 triệu USD, 1,460 triệu USD và 1,231 triệu USD. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 53,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, nước Úc cũng là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới với mức tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng, do đó quốc gia này là sẽ thị trường mục tiêu của xuất khẩu Việt Nam trong những năm tới với tôm là mặt hàng chủ lực.
Dịch Covid-19 phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và kéo dài trong năm 2020 đã làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu cũng như thay đổi xu hướng tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thủy sản xuất khẩu cũng chứng kiến sự sụt giảm ở một số thị trường chủ lực như EU, Nhật Bản. Trong tình hình này, Tổng cục Thủy sản đã tích cực theo dõi diễn tiến thị trường, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro với sản phẩm xuất khẩu. Giai đoạn cuối năm 2020, nhất là sau khi Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại, đạt mức 8.41 tỷ USD trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong quý đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại nhiều thị trường và đạt gần 1.74 tỉ USD, tăng 7.6% so với cùng kỳ năm 2020 (Bảng 2). Trong đó, riêng tháng tháng 3 năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 685 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tình trạng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động dịch Covid-19 như tình trạng thiếu tàu, cước phí vận tải tăng khi vận chuyển sang các nước EU, Mỹ… Sự tăng trưởng này một phần cũng nhờ vào nỗ lực mở rộng thị trường của các doanh nghiệp như thị trường Italia, Bỉ, Australia, định hình thị hiếu của người tiêu dùng trên các thị trường mới để tạo ra sản phẩm phù hợp, tránh tình trạng tập trung vào những thị trường truyền thống trước đây. Về phía Nhà Nước, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ và liên tục theo dõi diễn tiến dịch bệnh Covid-19, Nhà Nước cũng kịp thời hướng dẫn các quy định, rào cản về kỹ thuật nuôi trồng, rào cản về thương mại đến cho các doanh nghiệp, nông hộ để đảm bảo hoạt động sản xuất, tạo lợi thế so với các thị trường nguồn cung của đối thủ cạnh tranh.
Bảng 2. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý I năm 2021
ĐVT: USD
Thị trường
|
Quý 1/2020
|
+/- so với cùng kỳ năm 2019 (%)
|
Tỷ trọng (%)
|
Quý 1/2021
|
+/- so với cùng kỳ năm 2020 (%)
|
Tỷ trọng (%)
|
Tổng kim ngạch
|
1.614.532.219
|
-9,91
|
100
|
1.736.362.597
|
+7,55
|
100
|
Mỹ
|
286.357.007
|
1,18
|
17,74
|
335.064.078
|
17,01
|
19,3
|
Nhật Bản
|
313.286.243
|
2,19
|
19,4
|
307.117.996
|
-1,97
|
17,69
|
EU
|
232.326.178
|
-14
|
14,39
|
237.815.667
|
2,36
|
13,7
|
Trung Quốc
|
140.390.204
|
-28,59
|
8,7
|
161.575.561
|
15,09
|
9,31
|
Hàn Quốc
|
154.004.307
|
-11,05
|
9,54
|
161.284.323
|
4,73
|
9,29
|
Đông Nam Á
|
143.396.369
|
-11,69
|
8,88
|
137.742.683
|
-3,94
|
7,93
|
Thái Lan
|
58.072.276
|
-17,98
|
3,6
|
65.780.230
|
13,27
|
3,79
|
Anh
|
56.462.166
|
-0,9
|
3,5
|
58.775.596
|
4,1
|
3,38
|
Canada
|
53.089.328
|
10,14
|
3,29
|
59.026.724
|
11,18
|
3,4
|
Úc
|
45.522.378
|
5,68
|
2,82
|
61.380.658
|
34,84
|
3,54
|
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Top 5 thị trường lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý I năm 2021 là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đứng đầu là xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu đạt gần 335,06 triệu USD trong quý I/2021 và chiếm 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Thị trường Nhật Bản có sự sụt giảm khoảng 1,9% tuy nhiên vẫn là thị trường đứng thứ 2 chiếm 17,7% tỷ trọng trong cả nước.
Thị trường Trung Quốc có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, vượt qua Đông Nam Á, là thị trường tiêu thụ lớn đứng thứ 4 của sản phẩm thủy sản Việt Nam mới mức tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới sang thị trường Australia sẽ tăng mạnh, trong đó tôm là mặt hàng chủ lực bởi vì Australia là một trong những nước có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới và có sự quan tâm cao về các lợi ích của sản phẩm thủy sản.
Nhìn chung, trong quý I năm 2021, xuất khẩu thủy sản cũng có khởi sắc tại nhiều thị trường khác trên thế giới kèm theo việc tận dụng cơ hội khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cuối năm 2020. Ông Zang Wenhong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng khả năng lây nhiễm qua sản phẩm thủy sản rất khó xảy ra, các quốc gia chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh do tiêu thụ sản phẩm thủy sản; do đó các sản phẩm xuất khẩu thủy sản vẫn có tín hiệu khả quan. Ngoài ra, ở châu Âu, cá loại, cá thịt trắng, cá minh thái tăng giá mạnh…khiến cho các nhà máy chế biến ở EU có thể sẽ cân nhắc thay thế 1 phần sản phẩm thủy sản bằng sản phẩm cá tra nhất là khi thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào EU giảm từ 5% xuống 0% nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực tháng 8 năm 2020. Đây chính là cơ hội của xuất khẩu ngành thủy sản của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
4. Một số đề xuất cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam
4.1. Đối với Nhà nước
Thứ nhất, cần tập trung xác định mục tiêu phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Qua đó, xây dựng các mục tiêu cụ thể về các vùng nuôi, vùng khai thác, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển, các làng cá ven biển; tổ chức cơ cấu ngành nghề hợp lý, với số lượng lao động chuyên ngành, phù hợp điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo các sản phẩm nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại, ưu tiên kinh phí cho phát triển hạ tầng sản xuất thủy sản, tái cơ cấu ngành từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và kịp thời đưa ra cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.
Thứ ba, phát triển ngành gắn với du lịch sinh thái và các ngành nghề khác, nhằm bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ngư dân, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, bên cạnh đó chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm thủy sản chủ lực, như tôm, cá ngừ, cá tra...
4.2. Đối với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu
Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để phục vụ việc nuôi trồng và chế biến, nhất là phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, xây dựng quy trình nuôi chuẩn, đầu tư hình thành những trại thực nghiệm, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, giá trị kinh tế lớn và các loài mới có tiềm năng.
Doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu cần chú trọng kế hoạch nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, bổ sung các sản phẩm chế biến sâu, có thời gian bảo quản lâu như đồ khô, đồ hộp, chả cá…với giá cả phải chăng, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới ở các quốc gia có dịch.
Doanh nghiệp cần nghiên cứu, theo dõi về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... để hiểu rõ về các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng của các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, tạo đòn bẩy đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam vươn rộng ra thị trường quốc tế.
5. Kết luận
Mặc dù tình hình lây lan của đại dịch vẫn tiếp diễn mạnh mẽ trên diện rộng trong những tháng đầu năm 2021, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang từng bước phục hồi và được dự báo sẽ có những bước phát triển trong những năm tiếp theo (Hình 5). Mặt hàng thủy sản của Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Các doanh nghiệp cũng sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường sau một năm chiến đấu với Covid.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế (2021). Covid-19: Cập nhật mới nhất, liên tục, https://suckhoedoisong.vn/Covid-19-cap-nhat-moi-nhat-lien-tuc-n168210.html, truy cập vào ngày 28/04/2021.
- Báo cáo Đánh giá tác động của EVFTA lên xuất khẩu dệt may và thủy sản Việt Nam (2020), http://images1.cafef.vn/Images/Uploaded/DuLieuDownload/PhanTichBaoCao/Vimo_200220_PHS.pdf
- Chu Khôi (2021). Xuất khẩu thủy sản tăng 3.3% trong quý 1/2021, https://vneconomy.vn/xuat-khau-thuy-san-tang-33-trong-quy-1-20210413135735142.html.
- Chu Khôi (2021). Bất chấp đại dịch Covid xuất khẩu tôm vẫn tăng, https://vneconomy.vn/bat-chap-dai-dich-covid-xuat-khau-tom-van-bat-tang.html.
- Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, http://vasep.com.vn, truy cập vào ngày 25/04/2021.
- Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, http://socongthuong.binhduong.gov.vn, truy cập vào ngày 25/04/2021.
- Thành Trung. Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu thủy sản, https://bnews.vn/viet-nam-dung-thu-4-the-gioi-ve-xuat-khau-thuy-san/115737.html.
- Thủ tướng Chính Phủ (2021). Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021, Hà Nội: Văn phòng Chính phủ.
- Tổng Cục Hải Quan. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam quý I năm 2021, https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong, truy cập vào ngày 25/04/2021.
- Vũ Long (2021). 4 thị trường chính hút thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021, https://laodong.vn/kinh-te/4-thi-truong-chinh-hut-thuy-san-viet-nam-trong-3-thang-dau-nam-2021-898148.ldo.