TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẾN XUẤT NHẬP KHẨU
CỦA VIỆT NAM
Tác giả: ThS. Trần Huy Cường, Giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Văn Hiến
Tóm tắt
Kinh tế thế giới năm 2020 vô cùng phức tạp và khó khăn cho thương mại quốc tế. Đây là năm thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều và khó đoán, từ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ-Trung, biến động về quan hệ kinh tế – chính trị giữa các nền kinh tế lớn và đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến mọi lĩnh vực kinh tế – văn hóa - xã hội. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Bằng việc tổng hợp các tư liệu và số liệu thống kê, bài viết phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đến kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Từ đó, gợi mở một số đề xuất cho sự phát triển xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Từ khóa: Covid-19; tăng trưởng kinh tế; xuất nhập khẩu.
Abstract
The world economy in 2020 is extremely complicated and difficult for international trade. This is the year the world witnessed rapid, complicated, multi-dimensional and unpredictable fluctuations, from the trade war between the two superpowers US-China, fluctuations in economic - political relations between major economies. and especially the negative impact of the Covid-19 epidemic on all economic, cultural and social fields. The global economy fell into a serious recession, and Vietnam's economy was also greatly affected by the Covid-19 pandemic. By synthesizing documents and statistics, the article analyzes the impact of the Covid-19 pandemic on Vietnam's import and export turnover. From there, suggest some suggestions for the development of import and export in the near future.
Keywords: Covid-19, economic growth, export and import.
- Mở đầu
Dịch Covid-19 xuất hiện đầu tiên từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, đến nay, đại dịch Covid-19 đã bùng phát ở 215 quốc gia. Theo thống kê của của Bộ y tế, đến ngày 16/05/2021, thế giới ghi nhận 163.165.592 người mắc, 3.383.231 người tử vong tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp theo là Ấn Độ, thứ ba là Brazil. Tại khu vực ASEAN, Indonesia đã vượt qua Philippines trở thành là quốc gia dẫn đầu khu vực về tổng số trường hợp mắc và số bệnh nhân tử vong. Tại Việt Nam, số ca nhiễm là 4.112 người, tử vong 36 người. Mỗi ngày, thế giới có hàng trăm ngàn ca mắc mới, hàng nghìn người tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại, thậm chí lây lan nhanh tại một số quốc gia sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia, hiện vẫn diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam là một quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù nước ta đã có sự kiểm soát dịch bệnh thành công bước đầu, nhưng Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa, một số ngành như: xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm bị tác động trực tiếp; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, v.v. Bài viết tác giả tổng hợp thông tin và tập trung phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020.
2. Tình hình đại dịch Covid-19 trên thế gới và Việt Nam
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 16/05/2021, số người mắc COID-19 trên thế giới 163.165.592Điều trị khỏi:142.576.923Người tử vong:3.383.231. Đứng đầu thế giới là Mỹ với 33.695.916 ca nhiễm và 599.863 người tử vong; tiếp theo sau là Ấn Độ, Braxin, v.v. Ở khu vực ASEAN, Indonexia đã vượt Philippines trở thành nước dẫn đầu với 1.736.670 người nhiễm, 47.967 người tử vong. Việt Nam có 4.112 ca nhiễm, trong đó có 36 người tử vong (xem Bảng 1).
Bảng 1. Tình hình Covid-19 trên thế giới và Việt Nam
(tính đến 10h30 ngày 16/05/2021)
TT
|
Quốc gia
|
Số người nhiễm
|
Số người tử vong
|
|
Thế giới
|
163.165.592
|
3.383.231
|
1
|
Mỹ
|
33.695.916
|
599.863
|
2
|
Ấn Độ
|
24.683.065
|
270.319
|
3
|
Braxin
|
15.590.613
|
434.852
|
4
|
Pháp
|
5.863.839
|
107.535
|
5
|
Thổ Nhĩ Kỳ
|
5.106.862
|
44.537
|
6
|
Nga
|
4.931.691
|
115.480
|
7
|
Anh
|
4.448.851
|
127.675
|
8
|
Indonexia
|
1.736.670
|
47.967
|
9
|
Philippines
|
1.138.187
|
19.051
|
10
|
Campuchia
|
21.834
|
147
|
11
|
Việt Nam
|
4.112
|
36
|
12
|
Micronesia
|
1
|
0
|
(Nguồn: https://vimed.org/dich-virus-corona-covid-19-7974.html, truy cập 16/05/2021)
Ở Việt Nam, ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (23/01/2020), với sự chỉ đạo tích cực của Đảng và Chính phủ, bằng các biện pháp cách ly, truy vết, theo dõi và hạn chế người từ vùng dịch, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch. Sau nhiều đợt bùng phát, đến 16/05/2021, có 4.112 người nhiễm Covid-19, trong đó 36 người tử vong. Mặc dù là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.
3. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời kỳ Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đẩy thế giới và nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Về kinh tế, hầu hết các quốc gia rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm mạnh, trong đó có Việt Nam.Báo cáo của IMF và WB (10/2020) dự báo kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm (từ -5,2% đến -4,4%). UNCTAD dự báo FDI toàn cầu sẽ suy giảm khoảng 40% so với năm 2019 và tiếp tục giảm từ 5-10% trong năm 2021; WTO (10/2020) dự báo thương mại thế giới suy giảm khoảng 9,2% năm 2020. Lạm phát toàn cầu năm 2020 dự báo ở mức thấp (1,8-2%) do sức cầu còn yếu, giá dầu giảm mạnh và đứng ở mức thấp.
Việt Nam là nước có tổng dân số đạt 96.208.984 người đứng hàng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philipines). Tuy nhiên, với sự điều hành khéo léo, tỉnh táo và rất kiên quyết của Chính phủ với mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đứng vững trong sự đứt gãy thương mại quốc tế trên toàn cầu, giữ được đà tăng trưởng và tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế.
Theo thống kê của cục Hải quan, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,5%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm trước).
Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là: hàng dệt may, giày dép, thiết bị, dụng cụ, gỗ, nông sản, máy vi tính, linh kiện điện tư… điều này sẽ được thể hiện rõ qua bảng thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016 – 2020.
Bảng 1. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam 20106– 2020
Năm
|
Xuất khẩu
|
Nhập khẩu
|
(tỷ USD)
|
(+/- ) so với năm trước
|
(tỷ usd)
|
(+/- ) so với năm trước
|
Năm 2016
|
175.9
|
8.6
|
173.3
|
4.6
|
Năm 2017
|
213.8
|
21.5
|
211.1
|
21.8
|
Năm 2018
|
244.7
|
14.5
|
237.5
|
12.5
|
Năm 2019
|
263.4
|
7.6
|
253.5
|
6.7
|
Năm 2020
|
281.5
|
6.9
|
262.4
|
3.5
|
(Nguồn: Tổng cục thống kê, năm 2020)
Tính toán từ số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 bình quân đạt 11,81%/năm, từ mức 175.9 tỷ USD trong năm 2016 thì đến 2020 đạt 281.5 tỷ USD. Nổi bật: trong năm 2017 tăng 21.5%, năm 2018 tăng 14.5%;. Ở chiều ngược lại, tốc độ tăng của hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam cũng có mức tăng bình quân 9.84%/năm, từ mức 173.3 tỷ USD trong năm 2016 lên mức 262.4 tỷ USD trong năm 2020.
Qua số liệu trên cho thấy năm 2019 và năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm đáng kể so với các năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy rằng mức xuất siêu kỷ lục năm 2020 có ảnh hưởng khá lớn bởi sự suy giảm của kim ngạch nhập khẩu, nhưng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất khẩu vẫn là điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Biểu đồ 1. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020
(Nguồn: Tổng cục thống kê, 2020)
4. Một số đề xuất
Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn khá ổn định trước những thách thức của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ lớn vẫn còn và tiềm ẩn nhiều bất ổn nếu dịch bùng phát trở lại. Đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Dựa trên tình hình dịch Covid-19 ngày càng được kiểm soát tốt do nhiều nước trên thế giới đã có vaccin phòng ngừa dịch Covid-19. Triển vọng nền kinh tế hồi phục và phát triển mạnh mẽ trong tương lai, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp.
Thứ hai, Luật Đầu tư được sửa đổi, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thứ ba, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Từ tháng 7/2020, EU đã dỡ bỏ 85% các thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam và dần cắt bỏ phần còn lại trong 7 năm tới.
Thứ tư, tiếp tục duy trì gói hỗ trợ tài chính đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, chú trọng đến việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng, tạo đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ sáu, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường thế giới mở lại bình thường.
Thứ bảy, thực hiện tốt việc phòng ngừa lây lan của bệnh dịch để không tái phát dịch, tạo điều kiện cho việc mở rộng quan hệ quốc tế, đặc biệt là thương mại.
Thứ tám, nghiên cứu kỹ lưỡng từng mặt hàng tại thị trường cụ thể, từ đó định hướng doanh nghiệp về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu, thông tin về nhu cầu nhập khẩu của các nước và định hướng hoạt động xúc tiến thương mại.
Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN. Trong dài hạn, để bảo đảm được tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu, yếu tố then chốt nhất vẫn là tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm đi liền với cắt giảm chi phí vận hành để đưa ra thị trường các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Báo cáo số 6219-BC/BKHĐT ngày 22 tháng 9 năm 2020 về đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
- https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/xuat-nhap-khau-nam-2020-no-luc-va-thanh-cong/.
- https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/ha-vien-my-thong-qua-goi-cuu-tro-moi-2200-ti-usd-13221.html.
- http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/trung-quoc-tung-goi-cuu-tro-kinh-te-559-ty-usd-khong-kem-goi-kich-thich-kinh-te-826-ty-usd-cua-chau-au-323621.htm.
- https://vimed.org/dich-virus-corona-covid-19-7974.html. Truy cập 16/05/2021
- https://vtv.vn/chinh-tri/truong-ban-kinh-te-trung-uong-nguyen-van-binh-kinh-te-viet-nam-phu-thuoc-rat-nhieu-vao-gia-tri-toan-cau-20201020130101898.htm
- https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Tac-dong-cua-dai-dich-Covid-19-den-tang-truong-kinh-te-va-phat-trien-ben-vung-o-Viet-Nam-104