THÁO GỠ RÀO CẢN TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ VIỆT NAM

line
TÓM TẮT

Mục tiêu của bài viết nhằm khám phá những rào cản trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (SI) của Việt Nam. Trên cơ sở khái quát mô hình về điều kiện thúc đẩy sự phát triển SI trên thế giới, tác giả phân tích các điều kiện đó đối với SI Việt Nam để chỉ ra những rào cản phát triển. Kết quả cho thấy các ngành công nghiệp chế tạo thịnh hành (PI) của Việt Nam chưa thu hút được công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hoạt động của PI thế giới và được thực hiện chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI với nhu cầu sử dụng SI từ nhập khẩu nên không tạo động lực về cầu thúc đẩy các SI trong nước phát triển. Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước gặp phải rào cản gia nhập ngành SI do chi phí trung bình cao và khó khăn tiêu thụ đầu ra. Trong khi đó, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia SI của Chính phủ còn thiếu các chương trình, dự án cụ thể để triển khai. Để thúc đẩy SI Việt Nam phát triển, các chính sách cần tập trung tháo gỡ các rào cản đó.

Từ khoá: Công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị, rào cản phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chính sách quy hoạch và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. 

  1. Giới thiệu
Những trục trặc trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam có một phần nguyên nhân của sự hạn chế trong phát triển SI. Mặc dù Chính phủ đã nhận thức được vai trò quan trọng của SI từ lâu, nhưng các chính sách thúc đẩy phát triển SI vẫn chưa tạo được hiệu ứng tích cực. Mục tiêu của bài viết này nhằm khám phá những rào cản phát triển của SI Việt Nam, qua đó gợi ý các chính sách tháo gỡ. Để giải quyết mục tiêu nghiên cứu đặt ra, trước hết tác giả bàn luận về điều kiện tiền đề cho sự phát triển SI  thông qua kinh nghiệm của các nước có SI phát triển. Kế đến là xem xét các điều kiện này ở Việt Nam để chỉ ra rào cản trong quá trình phát triển SI và nguyên nhân của chúng. Từ đó, tác giả gợi ý những định hướng nhằm tháo gỡ rào cản giúp SI Việt Nam phát triển.
  1. Mô hình điều kiện phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy SI không phải là xuất phát điểm, tiền đề cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác, mà ngược lại chính sự phát triển của ngành công nghiệp khác mới kéo theo sự phát triển của SI thông qua chính sách điều tiết hợp lý của Chính phủ. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, những năm 1940 khi ngành cơ khí phát triển mạnh, các doanh nghiệp cơ khí cần chuyên môn hóa hơn trong sản xuất sản phẩm hoàn thiện và tối thiểu hóa chi phí nên có nhu cầu đặt hàng linh kiện từ các doanh nghiệp khác, từ đó tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tham gia sản xuất linh kiện cho ngành này, lúc đó SI cho ngành cơ khí ra đời (Ministry of Economy, Trade and Industry, 2003a). Để thúc đẩy SMEs hoạt động trong SI, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và định hướng hoạt động của SMEs.

Tương tự như Nhật Bản, các quốc gia mới có SI phát triển như Thái Lan, Malaysia khởi đầu SI gắn với sự khởi đầu từ các ngành công nghiệp mà khu vực FDI tham gia (Ministry of Economy, Trade and Industry, 2013b). Các doanh nghiệp FDI tạo ra động lực cho sự phát triển SI liên quan đến lĩnh vực FDI đầu tư và Chính phủ kịp thời xây dựng chính sách hỗ trợ để chúng tiếp tục tồn tại và phát triển (Nguyễn Anh Trung, 2014).

Trong bối cạnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, động lực cho sự phát triển SI của các quốc gia không chỉ phụ thuộc vào sự phát triển của ngành công nghiệp được hỗ trợ tại quốc gia đó, mà phụ thuộc vào xu hướng phát triển các ngành công nghiệp của toàn cầu (Christosphe & các cộng sự, 2011), theo đó mỗi quốc gia đều có cơ hội tham gia sản xuất phụ trợ cho các ngành công nghiệp sản xuất thịnh hành (PI)[1] trên toàn cầu. Sự lựa chọn SI của một quốc gia phụ thuộc vào lợi thế so sánh và trình độ công nghiệp của quốc gia đó.

Từ những lập luận trên cho thấy, điều kiện để SI của một quốc phát triển gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp được chúng hỗ trợ tại quốc gia đó và toàn cầu. Kế đến là khả năng nhận diện cơ hội đầu tư vào SI của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, và chính sách điều tiết, hỗ trợ, thúc đẩy của Chính phủ. Mô hình điều kiện phát triển SI được khái quát như Hình 1.

1

Nguồn: Đề xuất của tác giả bài viết từ lược khảo lý thuyết.

Hình 1: Điều kiện phát triển SI của một quốc gia

Mô hình phân tích điều kiện phát triển SI của một quốc gia xuất phát từ xu hướng phân chia chuỗi giá trị trên toàn cầu của các PI trên thế giới. Thông qua lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh mà thu hút một phần hoặc toàn phần PI trên thế giới vào quốc gia. Khi PI trên thế giới được thu hút và phát triển tại một quốc gia thì sẽ tạo ra nhu cầu SI phục vụ cho hoạt động của các PI. Đứng trước cơ hội đó, nhiều SMEs trong nước và doanh nghiệp FDI tham gia vào SI để cung ứng đầu vào cho PI thế giới và quốc gia. Theo mô hình này, một quốc gia có thể gặp phải 5 rào cản do không đảm bảo được 5 điều kiện trên trong quá trình phát triển SI: rào cản B1, thể hiện qua những hạn chế trong thu hút PI thế giới vào quốc gia; rào cản B2, thể hiện qua những cản trở do các PI quốc gia không tạo được cầu SI trong nước; rào cản B3, nhu cầu SI trong nước không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư; rào cản B4, sản phẩm SI trong nước không đáp ứng được nhu cầu của PI thế giới; và cuối cùng, rào cản B5, chính sách của Chính phủ chưa thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia SI.

  1. Những rào cản trong quá trình phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam
    • Rào cản B1: Rào cản trong thu hút đầu tư vào các PI trên thế giới của Việt Nam
Việt Nam thu hút đầu tư vào các PI khá tương thích với thế giới, các ngành công nghiệp chế tạo lớn trên thế giới cũng chiểm tỷ trọng lớn ở Việt Nam. Hình 1 cho thấy 10 ngành công nghiệp chế tạo lớn nhất của Việt Nam lần lược là (1) chế biến thực phẩm, (2) sản phẩm từ kim loại (trừ máy móc, thiết bị), (3) điện tử, máy vi tính, (4) sản xuất từ khoán phi kim, (5) hóa chất, (6) cao su và plastic, (7) dệt, (8) sản xuất phục trang, (9) sản xuất kim loại, và (10) phương tiện vận tải – đây cũng là những ngành công nghiệp lớn trên thế giới (Porter & các cộng sự, 2010).

2

Nguồn: Tổng cục Thống kế (2013a)

Hình 1: 10 ngành công nghiệp chế tạo có tỷ trọng lớn nhất Việt Nam năm 2012 

Mặc dù tỷ trọng giá trị công nghiệp PI của Việt Nam tương thích với thế giới, nhưng cấu trúc sản phẩm thì khác nhau. Các FDI đến Việt Nam chủ yếu là sản xuất các khâu trung gian rồi bán cho các doanh nghiệp lắp ráp hoàn thiện ở các quốc gia khác (Ohno, 2007), Việt Nam vẫn chưa thu hút được các công đoạn hoạt động có giá trị gia tăng cao của PI thế giới, nên chưa tạo động lực về cầu cho SI trong nước. Điều này, có thể được giải thích là do các điều kiện cho phát triển PI trên thế giới không hội tụ tại Việt Nam như chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng, điều kiện đầu vào còn thiếu, thị trường tiêu thụ không hấp dẫn và chính sách thu hút PI thế giới của Chính phủ chưa định được định vị rõ ràng (Porter & các cộng sự, 2010).

  • Rào cản B2: Rào cản trong tạo nhu cầu sản phẩm SI của các PI Việt Nam
Các PI của Việt Nam chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI, theo Tổng cục Thống kế (2013b), trong năm 2013 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 77,2% tổng vốn đăng ký. Các ngành PI của Việt Nam có nhu cầu đầu vào từ SI khá lớn như nguồn nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị… nhưng chủ yếu được cung cấp bởi các đối tác chiến lược của các doanh nghiệp FDI từ nước ngoài. Bảng 1 cho thấy các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, cũng chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp chế tạo PI của Việt Nam như nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải.

Bảng 1: Cơ cấu trị giá xuất - nhập khẩu hàng hoá  năm 2012
Nhóm sản phẩmNhập khẩu    2012Xuất khẩu    2012
Hàng thô hoặc mới sơ chế25,934,8
Lương thực, thực phẩm và động vật sống6,918,0
Đồ uống và thuốc lá0,30,4
Nguyên liệu thô, không dùng để ăn, trừ nhiên liệu6,14,9
Nhiêu liệu, dầu mỡ nhờn và vật liệu liên quan11,811,3
Dầu, mỡ, chất béo, sáp động, thực vật0,80,2
Hàng chế biến hoặc đã tinh chế72,265,1
Hoá chất và sản phẩm liên quan14,63,0
Hàng chế biến phân loại theo nguyên liệu24,011,2
Máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng29,119,4
Hàng chế biến khác4,531,5
Hàng hoá không thuộc các nhóm trên1,90,1
Tổng:100,0100,0
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2013c, 2013d)

Các SI trong nước thường không tiếp cận cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực PI (Mori, 2005). Có hai nguyên nhân chính của tồn tại này: (1) chất lượng sản phẩm của các doanh nghiêp hoạt động trong SI không đảm bảo; (2) các FDI phần lớn đã có các công ty liên kết trong cùng tập đoàn cung ứng đầu vào nên giữa họ đã có cam kết cung ứng sản phẩm từ trước, và cam kết này được sự lãnh đạo thống nhất của chủ tịch tập đoàn trên toàn thế giới. Do vậy, mặc dù nhu cầu SI cao nhưng chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước tham gia, nhất là các SME của Việt Nam.

  • Rào cản B3: Rào cản tham gia SI của các đối với SMEs và FDI
Như phân tích trên, các PI của Việt Nam được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI với đầu vào sản xuất được đáp ứng chủ yếu bởi các SI thế giới, nên không tạo được động lực thu hút SI cho Việt Nam. Bảng 2 cho thấy, năm 2000 tỷ trọng của SI chiếm 4,37% trong giá trị sản xuất hàng công nghiệp, đến năm 2012 tỷ trọng này là 7,32%. Như vậy, trong 12 năm, tỷ trọng SI tăng lên khoảng 2 lần, nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp rất thấp.

Bảng 2: Tỷ trọng giá trị SI trên tổng giá trị công nghiệp Việt Nam
200020052012
Tổng số 100,00%100,00%100,00%
Công nghiệp khai thác 15,78%11,19%7,60%
Công nghiệp chế biến 78,68%83,20%87,80%
Trong đó: đóng của ngành Công nghiệp phụ trợ4,37%6,45%7,42%
Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước5,54%5,61%4,60%
Nguồn: Tổng cục Thống kế (2013a)

Sỡ dĩ, SI Việt Nam tăng trưởng chậm là do tồn tại nhiều rào cản gia nhập ngành đối với nhiều doanh nghiêp trong và ngoài nước. Rào cản lớn nhất là đầu ra của các doanh nghiệp mới tham gia SI rất khó thuyết phục khách hàng bởi khi mới gia nhập ngành chi phí trung bình cao, giá bán cáo, chất lượng sản phẩm thường không đạt (do công nhân, quản lý chưa có kinh nghiêm) nên khó cạnh tranh. Muốn tạo dựng thương hiệu và uy tín thì cần phải bán giá thấp hơn hoặc tối đa là bằng với đối thủ cạnh tranh thì doanh nghiệp không đủ chi phí để bù lỗ. Hình 3 minh họa rào cản gia nhập ngành của các SI Việt Nam: các doanh nghiệp SI thế giới hưởng lợi thế theo quy mô lớn nên có cho phí trung bình thấp tại ACSI thế giới, trong khi đó các SI Việt Nam mới gia nhập ngành có chi phí trung bình cao hơn là ACSI Việt Nam , giá thị trường các sản phẩm SI trên thế giới là Pthế giới. Theo lý thuyết kinh tế học hiện đại ACSI thế giới < Pthế giới < ACSI Việt Nam. Như vậy, nếu bán giá Pthế giới thì doanh nghiệp SI thế giới sẽ có lãi, doanh nghiệp SI Việt Nam sẽ lỗ nên rất khó tồn tại.

3

Nguồn: Minh họa của tác giả theo lý thuyết kinh tế học hiện đại.

Hình 3: Mô hình rào cản gia nhập ngành của SI Việt Nam

Mặt khác, việc thuyết phục khách hàng đặt lần đầu rất khó bởi các doanh nghiệp PI khi quyết định khởi sự thường họ đã có trước mạng lưới các nhà cung ứng, nên không dễ dàng từ bỏ nhà cung cấp chiến lược để thiết lập mạng lưới quan hệ với đối tác mới (như  cá doanh nghiệp SI Việt Nam) trong khi niềm tin không chắc chắn.

  • Rào cản 4: Rào cản bán sản phẩm SI trong nước ra thị trường thế giới
Do gặp phải rào cản gia nhập ngành SI trong nước, nên sản phẩm SI Việt Nam rất hạn chế trong việc tiêu thụ ra thị trường thế giới. Bảng 3 cho thấy giá trị xuất khẩu của SI trong nước rất hạn chế, trong giai đoạn 2000 – 2012, tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp phụ trợ vẫn không tăng về tỷ trọng, chỉ chiếm 7,59% trong suốt 12 năm qua.

Bảng 3: Tỷ trọng hàng công nghiệp phụ trợ trong giá trị xuất khẩu
200020082012
Tổng giá trị xuất khẩu100%100%100%
Tỷ trọng xuất hàng công nghiệp phụ trợ7,46%7,45%7,59%
Hàng điện tử, máy tính và linh kiện5,45%4,21%4,93%
Sản phẩm từ plastic0,66%1,49%1,16%
Dây điện và cáp điện0,89%1,61%1,50%
Xe đạp và phụ tùng0,46%0,14%0,00%
Nguồn: Tổng cục Thống kế (2013c).

Hơn nữa, việc thực hiện xuất khẩu SI phần lớn được thực hiện bởi FDI. Các doanh nghiệp FDI này thường là  là thành viên của các doanh nghiệp PI toàn cầu, họ đến Việt Nam hoạt động nhằm mục đích tối thiểu hóa chi phí cho chuỗi hoạt động của tập đoàn toàn cầu. Sản phẩm SI của doanh nghiệp FDI chủ yếu là xuất khẩu cho các đơn vị thành viên trong cùng tập đoàn.

  • Rào cản B5: Rào cản về hiệu ứng chính sách của Chính phủ thúc đẩy phát triển SI
Chính phủ đã quan tâm đến sự phát triển SI Việt Nam khá lâu, từ ngày cấp giấy phép cho các doanh nghiệp FDI hoạt động ngành ôtô đã đưa vào các cam kết về nội địa hóa thiết bị, linh kiện…. Những cam kết này không được thực hiện các lý do thiết bị, linh phụ kiện trong nước không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Đến năm 2011, Chính phủ có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 ban hành một số chính sách phát triển SI. Tại Quyết định này, quy định những SI được khuyến khích bao gồm: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt –may, da – giầy và SI phát triển công nghệ cao. Tại Quyết định này, Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tham gia SI trên các khía cạnh phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin, và tài chính nhưng tất cả chưa tạo được hiệu ứng tích cực.

Rào cản trong việc hạn chế hiệu ứng của chính sách phát triển SI của Chính phủ là nội tại của các chính sách đó. Nhìn chung chính sách phát triển SI mới dừng lại ở mức chỉ ra các ngành cần khuyến khích và những nội dung được Chính phủ ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia SI. Chính phủ chưa có quy hoạch cụ thể cho phát triển SI như chưa chỉ ra được không gian, lộ trình,  phương pháp triển khai, hay nói cách khác vẫn chưa có giải quy hoạch pháp triển SI. Do chính sách mới được ban hành, nên vẫn chưa cụ thể thành những chương trình, dự án; cũng như chưa tạo ra được môi trường liên kết giữa SI với các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hòan chỉnh; và chưa định vị được các SI tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (Nguyễn Trọng Hoài & Huỳnh Thanh Điền, 2011).

  1. Kết luận và gợi ý chính sách tháo gỡ rào cản phát triển cho SI Việt Nam
    • Kết luận
PI Việt Nam khá tương thích với PI trên thế giới về tỷ trọng giá trị sản xuất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, nhưng cấu trúc sản phầm thì khác nhau. PI Việt Nam chủ yếu tham gia khâu trung gian, chưa thu hút được công đoạn hoàn thiện với giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hoạt động của PI thế giới do Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh để thu hút các hoạt động đó. Hơn nữa, PI Việt Nam được thực hiện chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI với nhu cầu sử dụng SI từ nhập khẩu nên không tạo động lực về cầu thúc đẩy các SI trong nước phát triển. Mặt khác, việc tham gia sản xuất SI trong nước của các doanh nghiệp gặp phải rào cản gia nhập ngành do chi phí trung bình cao và khó khăn trong việc thuyết phục PI trong nước và nước ngoài tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia SI của chính phủ chỉ dừng lại ở mức chỉ ra các ngành cần khuyến khích đầu tư và các nội dung ưu đãi đầu tư, nhưng chưa có chương trình, dự án cụ thể để triển khai nên vẫn chưa phát huy được hiệu ứng của chính sách. Các rào cản trong mô hình điều kiện phát triển SI Việt Nam được khái quát như Hình 4.4Nguồn: Đề xuất của tác giả bài viết từ lược khảo lý thuyết.

Hình 4: Điều kiện phát triển SI của một quốc gia

  • Gợi ý chính sách
Để thúc đẩy quá trình phát triển SI của Việt Nam, các chính sách vĩ mô, lẫn vi mô cần tập trung tháo gỡ 5 rào cản trong quá trình phát triển SI của Việt Nam theo gợi ý sau:

Thứ nhất, tập trung các chính sách cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút các PI thế giới hoạt động ở công đoạn giá trị gia tăng cao ở khâu hoàn thiết kế và hoạt thiện sản phẩm. Điều này phải được xác định trong chiến lược phát triển tổng thể như là mục tiêu dài hạn của chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, theo đó cần có lộ trình thu hút cụ thể cho từng phân đoạn. Trước mắt là phải chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành PI thế giới, cơ sở hạ tầng. Về lâu dài cần có lộ trình thu hút FDI tham gia PI ở công đoạn có giá trị gia tăng từ thấp lên cao, chú trọng đến các biện pháp liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước trong khâu cung ứng SI cho các PI trong nước. Bởi vì mục đích của chính sách thu hút PI trong công đoạn có giá trị gia tăng cao là nhằm thúc đẩy cầu cho SI trong nước.

Thứ hai, tập trung vào các giải pháp khuyến khích FDI sử dụng SI trong nước thay cho nhập khẩu. Muốn thực hiện được chính sách này, trước hết Chính phủ quy hoạch không gian và danh mục ngành SI để cung ứng cho PI trong nước trong 10 ngành PI của Việt Nam nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Các chính sách hỗ trợ kèm theo áp dụng bình đẳng giữa các thành phần kinh tê tham gia để không vi phạm điều khoản quốc tế trong hội nhập.

Thứ ba, giúp các doanh nghiệp SI trong nước vượt qua rào cản gia nhập ngành bằng biện pháp hạn chế chi phí đầu vào như hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, nhiên liệu, và chuẩn bị các điều kiện về kết cấu hạ tầng, thông tin liên lạc. Bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu triển khai khai các chương trình, dự án cụ thể để khuyến khích thu hút SMEs tham gia trong lĩnh vực SI.

Thứ tư, tháo gỡ rào cản tiêu thụ sản phẩm trong nước bằng cách sử dụng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong PI để điều tiết. Chính phủ khuyến khích và/hoặc bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước sử dụng SI trong nước để hỗ trợ cho các SI mới gia nhập ngành.

Thứ năm, để tháo gỡ rào cản phát huy hiệu ứng của các chính sách do những hạn chế trong việc triển khai, Chính phủ nên lập ra Ủy ban quản lý các SI để tập trung sự quan tâm đúng mức cho việc phát triển SI. Ủy ban này có trách nhiệm tham mưu cho Chính Phủ về các chính sách, quy hoạch phát triển SI của quốc gia; cũng như hỗ trợ các địa phương quy hoạch SI.

 

Tài liệu tham khảo:

Christophe, M., Mena, C., Khan, O., Yurt, O., (2011), "Approaches to managing global sourcing risk", Supply Chain Management: An International Journal, Vol. 16 Iss: 2, pp.67 – 81.

Ministry of  Economy, Trade and Industry (2003a), “The Role of Small and Medium Supporting Industries in Japan and ThaiLan.”

www.japan.tsukuba.ac.jp/081126Nargiza.pdf, (Truy cập ngày 25/02/2014).

Ministry of Economy, Trade and Industry (2013b), “Japan’s Policy on Small and Medium Enterprises (SMEs) and Micro Enterprises.” http://www.chusho.meti.go.jp/sme_english/outline/04/20131007.pdf, (Truy cập ngày 20/02/2014).

Mori, J., (2005), “Development of Supporting Industries for Vietnam’s Industrialization: Increasing Positive Vertical Externalities Through Collaboratve Training”, Master of Arts in Law and Diplomacy Thesis, The Fletcher School.

Ohno, K., (2007), “Building Supporting Industries in Vietnam”, Vietnam Development Forum (VDF), Vol 1.

Nguyễn Anh Trung, (2014), “Kinh nghiệm của một số quốc gia đang phát triển về phát triển công nghiệp phụ trợ.” http://www.ncseif.gov.vn/sites/vie/Pages/kinhnghiemcuamotsoquoc-nd-16522.html, (Truy cập ngày 25/02/2014)

Nguyễn Trọng Hoài và Huỳnh Thanh Điền, (2012), “Chính sách quy hoach và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, Tạp chí Phát triển Kinh tế, Số 263, trang 2-10.

Tổng cục Thống kê (2013a), “Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành phân theo ngành công nghiệp”, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=391&idmid=3&ItemID=14409 (truy cập ngày 10/03/2013).

Tổng cục Thống kê (2013b), “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013”, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=14769 (truy cập ngày 10/03/2013).

Tổng cục Thống kê (2013c), “Cơ cấu trị giá xuất khẩu hàng hoá theo bảng phân loại tiêu chuẩn ngoại thương”, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=393&idmid=3&ItemID=14550 (truy cập ngày 10/03/2013).

Tổng cục Thống kê (2013d), “Cơ cấu trị giá nhập khẩu hàng hoá theo bảng phân loại tiêu chuẩn ngoại thương”, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=393&idmid=3&ItemID=14545 (truy cập ngày 10/03/2013).

Porter, M.E, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, (2010), “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của quốc gia của Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Hà Nội.

[1] Trong bài viết này, tác giả định nghĩa ngành công nghiệp sản xuất thịnh hành (PI) là ngành có doanh số chiếm tỷ trọng lớn trên thế, nhu cầu thị trường và lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành cao. Việc phát triển PI đòi hỏi mạng lưới tham gia vào chuỗi hoạt động lớn.

TS Huỳnh Thanh Điền

Góp ý