PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ ĐỂ NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH SẢN PHẨM, DOANH NGHIỆP VÀ CẢ NỀN KINH TẾ

line
  1. Khái niệm công nghiệp phụ trợ
Công nghiệp phụ trợ (supporting industries) là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, v.v… và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Nếu kể các sản phẩm tương tự thì phạm vi sẽ rất rộng nhưng nếu thêm một đặc tính nữa sẽ thấy phạm vi rõ ràng hơn: Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong ngành xe hơi chẳng hạn, các bộ phận như đầu máy xe, thân xe, bánh xe... thường không được kể là công nghiệp phụ trợ vì chủ yếu do các công ty lớn sản xuất với quy mô lớn. Trong ngành này, công nghiệp phụ trợ là những linh kiện, những phụ liệu ở cấp thấp hơn được cung cấp để sản xuất ra đầu máy xe, thân xe...[1]

Theo GS Kenichi Ohno, có thể phân chia lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thành 3 nhóm lớn như sau:

  • Công nghiệp phụ trợ cung cấp máy móc công cụ và trang thiết bị cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm công nghiệp lắp ráp, chế biến và công nghiệp hỗ trợ khác.
  • Công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp chế biến cung cấp nguyên phụ liệu cho công nghiệp chế biến như dệt may, da giày… Các ngành công nghiệp phụ trợ này không đòi hỏi nhân lực có kỹ năng cao, sản xuất ít loại nguyên liệu và không tác động lớn đến sản phẩm.
  • Công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp lắp ráp cung cấp linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp lắp ráp như ô tô, xe máy, điện tử… Các ngành công nghiệp hỗ trợ này đòi hỏi lao động có kỹ năng cao hơn, sản phẩm chủ yếu là các linh kiện kim loại, nhựa cao su, yêu cầu đáp ứng với các tiêu chuẩn chung và có ảnh hướng lớn đến chất lượng sản phẩm (Kenichi Ohno, 2007)
Như vậy, công nghiệp phụ trợ là ngành tạo ra sản phẩm sử dụng chung cho nhiều ngành sản xuất khác nhau, bao hàm trong đó nhiều lĩnh vực, nhiều loại kỹ thuật – công nghệ, gồm:
  • Ngành sản xuất linh kiện nhựa;
  • Ngành sản xuất gia công cơ khí như đúc, gò, rèn, hàn…;
  • Ngành sản xuất linh kiện cao su;
  • Ngành sản xuất linh kiện thủy tinh;
  • Ngành sản xuất linh kiện kim loại màu;
  • Ngành sản xuất hóa chất;
  • Các ngành sản xuất nguyên liệu thô;
Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng (broadening) vừa thâm sâu (deepening). Công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng phí tổn đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu. Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp (supply chain management) nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận, và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác. Vì lý do này, công nghiệp phụ trợ không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng giới hạn trong một số ít các ngành.

Đế có thể định vị rõ hơn về công nghiệp phụ trợ, chúng ta xem xét mô hình sau

Nguồn: James J. Mori, 2005

Hình 1: Công nghiệp hỗ trợ trong nền công nghiệp quốc gia

 

  1. Công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam
Hiện trạng, sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam được nhìn nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém (xem thêm Hộp 1). Một trong những biểu hiện đơn giản nhất của tình trạng này là tỷ lệ giữa số lượng doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp chính (tạo ra sản phẩm cuối cùng) của Việt Nam thời gian qua nhìn chung rất thấp.

Theo Bảng 1, trong lĩnh vực dệt may, bình quân có tới 6,8 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dệt may mới có 1 doanh nghiệp phụ trợ. Tương tự, lĩnh vực da giày là 19,7 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm da giày mới có 1 doanh nghiệp phụ trợ. Khá nhất bảng này là lĩnh vực ô tô, 1 doanh nghiệp chế tạo sản phẩm có 5 doanh nghiệp phụ trợ; tiếp theo là công nghiệp cơ khí, 1 doanh nghiệp chế tạo sản phẩm có 1 doanh nghiệp phụ trợ.

Bảng1: Tỷ lệ doanh nghiệp chính / doanh nghiệp phụ trợ của một số ngành

công nghiệp Việt Nam
Ngành công nghiệpNăm
200620072008
Dệt may5,56,06,8
Da giày17,119,119,7
Cơ khí1,21,01,0
Điện tử - tin học6,25,54,6
Ô tô0,20,20,2
Nguồn: Hoàng Văn Châu, Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đến năm 2020, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Mã số: KX 01.22/06.10

 Với mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thưa thớt như vậy, rõ ràng nền công nghiệp Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn các công ty đa quốc gia (MNC - Multinational corporation) trực tiếp đặt cơ sở sản xuất các loại hàng hóa công nghiệp, nhất là các loại sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam. Chẳng hạn, một chiếc ô tô cần khoảng 20.000 – 30.0000 chi tiết với hàng hàng linh kiện. Để sản xuất ra một chiếc ô tô, hãng Toyota cần có 1.600 nhà cung cấp các loại chi tiết, linh kiện. Hãng Meccedes cũng cần khoảng 1.400 nhà cung cấp. Canon cần khoảng 60 nhà cung cấp phụ kiện. Chi phí sản xuất linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian trong những sản phẩm thuộc các ngành sản xuất máy móc chiếm tới 80% giá thành, trong khi chi phí lao động chỉ chiếm từ 5 – 10%, do đó khả năng nội địa hóa có tính chất quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Điều này lý giải tại sao mức độ nhập siêu của chúng ta những năm qua luôn ở mức cao, thậm chí xuất càng nhiều thì nhập siệu càng nhiều, vì phần lớn các loại sản phẩm trung gian để chế tạo hàng xuất khẩu phải nhờ vào nhập khẩu.
Hộp 1: Công nghiệp phụ trợ và nhập siêuTại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã nói "nhập đến cả cái cúc áo”. Và có ý kiến khác tiếp theo "cả cái kim, sợi chỉ”. Nhiều năm như thế và đến 2014, công nghiệp phụ trợ (còn gọi là hỗ trợ) của ta vẫn quá yếu. Công nghiệp phụ trợ chuyên sản xuất nguyên, phụ liệu, linh kiện phục vụ các ngành công nghiệp khác. Doanh nghiệp đóng tàu thủy, ô tô, điện tử cho đến dệt may, da giầy… đều rất cần đến công nghiệp phụ trợ. Đối với các ngành lắp ráp, chi phí vào linh kiện phụ kiện tới 70-80% giá thành, còn công lao động chỉ chiếm hơn 10%.

Hai ngành công nghiệp mũi nhọn của ta, ô tô và điện tử, đều thất bại sau 20 năm xây dựng, nguyên nhân chủ yếu vì thiếu công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp ô tô của ta nội địa hóa có trên dưới 5%, cuối cùng phải nhập ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan đến năm 2012 tăng đột biến, chiếm đến một phần ba lượng xe nhập khẩu của cả nước. Là một trung tâm công nghiệp ô tô lớn ở châu Á, Thái Lan nội địa hóa đến hơn 70% với trên 2.000 doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô. Không đủ năng lực sản xuất, công nghiệp điện tử của ta tụt hậu đến mức dân trong nghề gọi là điện tử Việt Nam là "công nghiệp tuốc – nơ – vít” vì các doanh nghiệp điện tử trong nước chỉ có vặn ốc, thêm vài mũi hàn là hết. Năm 2010, công nghiệp điện tử ta xuất khẩu 3,4 tỷ USD nhưng nhập khẩu trên 4,6 tỷ USD, riêng nhập linh kiện về sản xuất các sản phẩm điện tử trên 3 tỷ USD. Ta phải nhập 100% linh kiện để lắp ráp ti vi, đầu đĩa, nồi cơm điện, tủ lạnh, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Hàng trong nước xuất ra nước ngoài chỉ là vỏ các – tông, xốp chèn, vỏ nhựa và sách hướng dẫn. Ta đóng một tầu biển cho nước ngoài giá trị 360 triệu USD, thế nhưng chi phí nhập khẩu linh kiện, phụ kiện, thiết bị đã chiếm 330 triệu USD. Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 đạt 6,16 tỷ USD nhưng đã phải nhập 5,76 tỷ USD nguyên, phụ liệu, trong đó có cả cúc, khuy, kim, chỉ, phéc- mơ-tuya… Thiếu hẳn công nghiệp phụ trợ nền kinh tế ta chịu tổn thất lớn lao, nhập siêu đã đến mức báo động, đến tháng 10 – 2013, nhập siêu từ Trung Quốc là 19,7 tỷ USD.

Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan từng nghèo hơn ta, từng kém ta về chất xám, không có nhiều giáo sư, tiến sĩ như ta nhưng họ đang làm chủ công nghiệp phụ trợ mạnh hơn hẳn ta. Malaysia xuất khẩu sản phẩm điện tử hàng đầu các nước ASEAN. Chính phủ Hàn Quốc đã lấp biển để lấy đất giao cho các doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ đến khi có lãi Chính phủ mới thu vốn. Phát triển công nghiệp phụ trợ vốn khó khăn, đòi hỏi công nghệ cao, lao động chất lượng cao lại vừa có rủi ro cao. Vì vậy, chỉ có Chính phủ mới có đủ điều kiện để chủ động tạo mọi điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng công nghiệp phụ trợ. Việt Nam lại khác hẳn, quan tâm đến công nghiệp phụ trợ là các doanh nghiệp và một số nhà nghiên cứu, còn khi bàn đến công nghiệp phụ trợ thì một số không mặn mà. Vì thế, ta cũng đã có chủ trương xây dựng công nghiệp phụ trợ từ cuối những năm 1990, cũng có nghị định, thông tư, chính sách lại có cả một ban tư vấn nhưng nhập siêu mỗi năm tăng càng cao vì công nghiệp phụ trợ sang năm 2000 vẫn ở trình độ "sơ khai”, vẫn thiếu, vẫn yếu trong mọi lĩnh vực, chỉ có ngành xe máy là nội địa hóa 75%, sản xuất được phần lớn linh kiện. Nhật đã giúp ta xây dựng công nghiệp phụ trợ, họ rất nhiệt tình nhưng chính chúng ta lại không nóng lòng, nóng ruột bằng nơi tự nguyện đứng ra giúp đỡ. Đại sứ Nhật Bản đã hết nhiệm kỳ, trước khi về nước đã khuyến cáo ta: "Vận mệnh của ngành công nghiệp phụ trợ không chỉ sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á”. Ông biết rõ Việt Nam xuất khẩu càng nhiều nhưng nền kinh tế vẫn không mạnh, vì thiếu hẳn một nền công nghiệp phụ trợ, nhập siêu của Việt Nam đã đến mức báo động. Năm 2007, nhập siêu từ Trung Quốc 9,145 tỷ USD, năm 2008 nhập siêu 11,12 tỷ USD. Năm 2009, nhập siêu từ Trung Quốc 11,52 tỷ USD. Nhập siêu tăng và kéo dài sẽ không còn độc lập về kinh tế, rất khó giữ vững độc lập chính trị.

Năm 2006, Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch tổng thể và phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp soạn thảo. Sau đó chỉ còn chờ công bố bản kế hoạch hành động nhưng mãi không có (cũng đã có dự thảo nhưng lỗi thời, không phù hợp với thực tế). Cuối cùng Bộ Công thương không ra được nghị định, đành hạ xuống thành Quyết định nhưng nội dung hết sức chung chung, thiếu hẳn tính đột phá mà mọi người chờ đợi. Doanh nghiệp ta trình độ quản lý còn hạn chế, công nghiệp lạc hậu, rất cần chuyên gia nước ngoài giúp xây dựng công nghiệp phụ trợ, nhưng Quyết định lại không nhắc đến. Ta phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn theo tư duy cũ, nặng về cơ chế xin cho nên trong thực chất tới năm 2010, Việt Nam vẫn hầu như chưa có công nghiệp phụ trợ, vô cùng phi lý nhưng là sự thật đáng hổ thẹn, vẫn phải nhập cái cúc, sợi chỉ, cái kim…

Phát biểu của một số đại biểu Nhật trong hội thảo cho thấy, bạn cảm thấy thắc mắc công nghiệp phụ trợ hoàn toàn trong tầm tay của Việt Nam, nhưng chưa thành hiện thực vì trong các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu chưa thống nhất với nhau về vị trí không thể thiếu của công nghiệp phụ trợ, nếu Việt Nam muốn tồn tại là một nước tự chủ, độc lập và tự do. Chính vì vậy, chưa đoàn kết để tập trung đủ sức mạnh làm chủ nền công nghiệp phụ trợ. Đại biểu Yoshiharu Truboi đã góp ý kiến: "Cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt và mang tính sống còn, người Việt Nam từ các nhà hoạch định chính sách đến các chủ doanh nghiệp cần đoàn kết lại để xây dựng một nền công nghiệp phụ trợ phát triển, để sản phẩm made in Việt Nam đủ sức cạnh tranh và giành chiến thắng trên thị trường thế giới.

Cuộc hội thảo nêu bật nguy cơ nhập siêu dẫn đến lệ thuộc nước ngoài và một lần nữa lại nhắc nhở, thúc đẩy các cơ quan có trách nhiệm quan tâm nhiều hơn nữa đến công nghiệp phụ trợ. Đầu năm 2011, Thủ tướng có Quyết định 12/2011/QĐ-TTG về phát triển một số ngành phụ trợ được ưu đãi hạ tầng, thị trường, tài chính, khoa học công nghệ. Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt Đề án khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và kêu gọi Nhật và Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Từ đó đến nay, công nghiệp phụ trợ chuyển biến rất chậm và tại Quốc hội kỳ thứ 7 đang họp, đại biểu Quốc hội vẫn phải nhắc đến "cái cúc, sợi chỉ, cái kim” vẫn phải nhập. 15 năm trước đã nhắc đến vẫn tưởng chỉ là một thiếu sót rất cá biệt và đến 2014 vẫn phải nhắc đến là không thế chấp nhận mãi được.

Trung Quốc đã tiến sâu vào thềm lục địa nước ta, đặt giàn khoan trái phép và chiếm một vùng biển rộng lớn thuộc Hoàng Sa của chúng ta. Tổ quốc đang đứng trước thử thách chẳng lẽ công nghiệp phụ trợ vẫn chịu thua kém mãi.

Thái Duy

Nguồn: http://www.baomoi.com/Cong-nghiep-phu-tro-va-nhap-sieu/45/14010779.epi

 

  1. Một số đề xuất
Từ kinh nghiệm Hàn Quốc và Nhật Bản:
  • Kêu gọi nhiều doanh nghiệp nghiệp vừa và nhỏ tham gia chế tạo, như vậy vừa huy động được các nguồn lực tài chính trong dân cư, huy động được nhân lực tài năng – nói cách khác là xã hội hóa quá trình sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Vì, cho đến nay sản phẩm công nghiệp phụ trợ chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước (hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước) sản xuất, phần lớn cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao (vì công nghệ lạc hậu, vì quản lý kém, ...) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước. Một bộ phận khác, chủ yếu là những sản phẩm công nghiệp phụ trợ cấp thấp, do các hộ kinh doanh cá thể sản xuất cũng gặp khó khăn về vốn và công nghệ.
  • Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, bớt gánh nặng lo tài chính đầu tư cho phát triển các linh kiện, quan trọng là dẹp suy nghĩ đầu tư “khép kín” trong các doanh nghiệp lớn, kém hiệu quả.
  • Các doanh nghiệp nhỏ sẽ nỗ lực canh tranh để có hợp đồng trong chế tạo sản phẩm cuối cùng nên ra sức phát triển công nghệ, nhân sự, tổ chức quản lý tốt để giao hàng đúng hạn cho doanh nghiệp lớn.
  • Chất lượng sản phẩm được nâng cao nhờ sự kiểm tra chặt chẽ các chi tiết của doanh nghiệp lớn trước khi đưa vào lắp ráp. Nếu các doanh nghiệp sản xuất chi tiết là đơn vị trực thuộc doanh nghiệp lớn thì sự kiểm tra sẽ không chặt chẽ bằng.
  • Xa hơn, chính sách này sẽ thúc đẩy quá trình hợp tác toàn cầu (các doanh nghiệp của các nước khác cũng có thể tham gia chế tạọ chi tiết, làm tăng uy tín sản phẩm khi liên kết với các hãng lớn của các nước lớn)
Để phát triển công nghiệp phụ trợ có hiệu quả, theo chúng tôi Nhà nước cần làm nhanh, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau:
  • Thành lập cơ quan đầu mối đủ mạnh để có chính sách, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách nhất quán, hiệu quả. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy một chính sách đúng được triển khai có tác dụng điều chỉnh mau lẹ và hiệu quả cơ cấu công nghiệp.
  • Thiết lập đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu cho công nghiệp hỗ trợ, có nguồn lực để hệ thống này được duy trì phục vụ mọi yêu cầu và mở rộng ra cả phạm vi khu vực và quốc tế. Mục đích là tạo điều kiện để các doanh nghiệp biết đến nhau, liên kết với nhau trong việc ký kết hợp đồng thầu phụ.
  • Lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Kinh nghiệm từ các nước phát triển công nghiệp phụ trợ trong khu vực cho thấy mỗi thời kỳ chỉ nên tập trung vào một số nhóm ít các ngành, không thể dàn trải, phân tán nguồn lực, mặt khác nhờ đó tạo ra các sản phẩm mũi nhọn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là giải pháp mang tính kỹ thuật và quyết định đến việc điều chỉnh cơ cấu công nghiệp quốc gia cho một thời kỳ dài.
  • Trong số những tập đoàn công nghiệp chế tạo nước ngoài, ưu tiên trước hết các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản (xem Hộp 2), bởi không chỉ vì lý do những công ty xuất xứ từ Nhật Bản rất có kinh nghiệm trong việc xây dựng mạng sản xuất công nghiệp trong vùng mà còn xem là thời cơ khi dòng đầu tư công ty Nhật Bản chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam[2].
  • Dành quỹ đất cho các khu công nghiệp phụ trợ ngay tại các khu kinh tế trọng điểm. (Khu công nghiệp phụ trợ là một mô hình tổ chức sản xuất rất hiệu quả mà Nhật bản và một số quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện rất thành công. Ở đó có các dịch vụ chung để các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ có thể cùng chung sử dụng như khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, công nghệ, dịch vụ kiểm định chất lượng vật tư, thành phẩm, phòng hội họp…). Tiến tới xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống khu công nghiệp phụ trợ cho cả nước.
  • Đào tạo nguồn nhân lực: Để đảm bảo phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, cần dành phần thỏa đáng cho kích thích đào tạo tay nghề, kiến thức mới cho đội ngũ lao động.
  • Bàn hành hệ thống văn bản về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng cả quy trình, phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ để sẵn sàng thực hiện trao đổi lao động khu vực và quốc tế.
  • Ban hành kế hoạch đào tạo nguồn lực cho các ngành công nghiệp mới đáp ứng nhu cầu của các ngành đã chọn và có chính sách hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ
  • Xây dựng chương trình hợp tác đào tạo giữa Nhà nước, các doanh nghiệp công nghiệp và các cấp trường đào tạo
Tóm lại, một khi ngành công nghiệp phụ trợ không phát triển thì đừng bao giờ chúng ta hy vọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế tạo nói riêng, sức cạnh tranh doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung; và cũng không hy vọng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa như đã nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội thứ XI của Đảng thông qua (1/2011).

Hộp 2: Tìm cách đưa công nghiệp phụ trợ Nhật vào Việt Nam

Ông Masahiko Koumura, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bàn, thành viên Hạ Viện, cho rằng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật sẽ là rất lớn.

Vậy làm sao để thu hút hơn 214.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật hoạt động trong ngành chế tạo vẫn chưa có hoạt động đầu tư ra nước ngoài vào đầu tư Việt Nam?Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại buổi toạ đàm “Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật vào các khu công nghiệp tại Việt Nam” diễn ra ngày 28-2-2013 tại TPHCM. Buổi toạ đàm do Cục Đầu tư nước ngoài phối hợp với Tập đoàn Forval (Nhật) tổ chức, thu hút đại diện hàng trăm công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo ban quản lý các khu công nghiệp ở phía Nam.

Không chỉ là khu công nghiệp

Ông Hideo Okubo, Chủ tịch - Giám đốc điều hành tập đoàn Forval Nhật Bản, kiêm Chủ tịch Ủy ban đặc biệt hỗ trợ toàn cầu hóa công ty vừa và nhỏ Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu ra những điểm thành công để hướng tới việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản mà các nước khác trong khu vực đang thực hiện.

Theo ông Okubo, việc phát triển các khu công nghiệp cần đi theo hướng "không chỉ dừng lại là khu công nghiệp mà phải là gắn kết nó thành khu đô thị, hướng đến quản lý thành phố nhỏ". Tại đây ngoài diện tích dành cho phát triển sản xuất công nghiệp, còn có diện tích phát triển đô thị nhà ở, khu thương mại, trường học, nhà hàng, khu vui chơi, sân gôn, bệnh viện… Ông Okubo khẳng định đây là xu hướng tất yếu trong tương lai và là điều kiện tuyệt đối cần thiết để kêu gọi đầu tư công nghiệp hỗ trợ của các công ty Nhật.

Ông Okubo cho rằng, lâu nay tại Việt Nam, nhiều khu công nghiệp chỉ tập trung vào xây khu hạ tầng cho sản xuất công nghiệp mà không chú ý xây khu đô thị xung quanh. Mặc dù vậy, hiện một số doanh nghiệp mới bắt đầu chú ‎ ý tới vấn đề này.

Vấn đề về quy mô diện tích nhà xưởng cũng được xem là tiêu chí mà các nhà đầu tư nhỏ và vừa của Nhật rất quan tâm. Theo ông Hideo, lâu nay các khu công nghiệp Việt Nam chỉ ngắm đến diện tích cho thuê lớn với diện tích vài héc ta hoặc các phân xưởng cho thuê nhỏ nhất cũng khoảng 1.000 m2, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật chỉ cần các phân xưởng nhỏ với diện tích chỉ 300 m2.

Phân tích về thực tế này, ông Sakae Yoshida, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM, người có nhiều năm tiếp xúc các nhà đầu tư đầu tư từ Nhật vào Việt Nam, cho rằng, cần phải “nhận diện” rõ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Nhật hiện tại phần lớn là doanh nghiệp rất nhỏ, vốn ít, lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, nên thường nhiều băn khoăn, lo ngại…

“Họ không có tiền để thuê diện tích đất đai lớn, xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị…, mà họ chỉ cần thuê nhà xưởng xây sẵn cho vài chục công nhân làm việc. Vì thế, cần có những khu nhà xưởng xây sẵn để cho họ thuê, diện tích khoảng 300 m2, với giá thuê cạnh tranh,” ông Yoshida nói.

Ông Yoshida cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp phụ trợ Nhật Bản, cần quan tâm cung cấp thông tin về thị trường Việt Nam, sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ họ khi cần thiết. Thậm chí, các vấn đề liên quan tới chuyện bất đồng ngôn ngữ, tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực cũng cần được giải quyết một cách thấu đáo. “Người Nhật chúng tôi không thạo ngoại ngữ, do đó cần hỗ trợ các dịch vụ bằng tiếng Nhật”, ông Yoshida chia sẻ và nói “Chúng tôi nấu ăn, nuôi dạy con cái theo cách người Nhật. Do đó đòi hỏi tiệm bán đồ, nhà hàng, trường học… phải tồn tại nơi nhà đầu tư ở”.

Ngoài ra, theo ông Okubo, các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng chú trọng tới những hỗ trợ trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự song song với việc xây dựng trường huấn luyện nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục đăng ký các loại (dịch vụ một cửa bằng tiếng Nhật). Nhà đầu tư Nhật cũng yêu cầu về hỗ trợ công nghệ thông tin (IT) bằng cách nhờ nhiều nhà sản xuất và công ty truyền thông xử lý ứng phó, hỗ trợ khai thác đối tác (tổ chức tọa đàm, giao lưu giúp doanh nghiệp tạo mối quan hệ) hay các đối sách hỗ trợ môi trường…

Không dễ làm theo

Những vấn đề nêu trên được ông Chủ tịch tập đoàn Forval dẫn chứng bằng những hình ảnh cụ thể từ những thành công của các khu công nghiệp ở Thái Lan, Indonesia, Ấn độ và sắp tới đây là Myanmar. Và theo ông Hideo Okubo, Việt Nam có những bước đi chậm hơn so với các nước trong khu vực cho việc chuẩn bị sẵn sàng để đón các nhà đầu tư Nhật.Tuy nhiên, tại hội nghị một số công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Việt Nam có vẻ lo lắng vì khó thựchiện theo những gì mà Tập đoàn Forval nêu. Theo một số doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, việc phát triển đầy đủ tiện ích như trên thì đòi hỏi nhà phát triển hạ tầng phải có nguồn vốn thật lớn và phải có sự tham gia hỗ trợ của trung ương và chính quyền địa phương - nơi phát triển khu công nghiệp đó.

Mặt khác, theo ông Phan Văn Chính, Trưởng phòng Đầu tư của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), vấn đề xây dựng nhà xưởng quy mô khoảng 300 m2chi phí sẽ cao, hiệu quả kinh doanh rất thấp. Mặt khác, xây dựng những diện tích nhỏ này sẽ rất khó để xây tường rào, cổng ra vào, phòng cháy chữa cháy… trong khi quy định hiện nay đòi hỏi mỗi nhà xưởng của doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải có khu riêng biệt.

Đại diện Forval cho rằng chi phí xây các công xưởng nhỏ có thể sẽ tốn kém hơn so với việc xây hẳn xưởng lớn tuy nhiên để thu hút được lượng lớn đối tượng doanh nghiệp trên của Nhật Bản, các nhà đầu tư cũng nên tính tới hướng giảm diện tích phân xưởng của mình xuống.

Vấn đề về phát triển hạ tầng chung, theo Forval quả đúng là không dễ, nhưng có thế kết hợp nhiều doanh nghiệp tham gia hoặc có sự tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngay cả của trung ương.

Tuy nhiên, ông Okubo cũng thừa nhận để làm được giống như mô hình trên của các nước thì không phải dễ và ông cho rằng những mô hình ông đưa ra chỉ là những dẫn chứng cụ thể mà các công ty phát triển hạ tầng, các địa phương có nhu cầu thu hút các nhà đầu tư nhỏ và vừa tuỳ theo điều kiện của mình để áp dụng phát triển.

Ông Sakae Yoshida cho biết tình hình các nhà đầu tư Nhật tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam tăng rất cao. Tính từ tháng 4-2011 đến tháng 1-2012, văn phòng Jetro tại TPHCM tiếp đến khoảng 2.400 nhà đầu tư Nhật tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam, cao thứ nhì trong 73 văn phòng Jetro có mặt trên thế giới.

Theo Forval, có tới 97,3% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội lớn để Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, nhất là trong bối cảnh sau động đất sóng thần, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài.

Quốc Hùng

Nguồn: http://www.chuoigiatri.com.vn/tintuc/c-hi-u-t/208-tim-cach-a-cong-nghip-ph-tr-nht-vao-vit-nam.html

 

Tài liệu tham khảo:

Trần Văn Thọ, (2005), “Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

Nhiều tác giả, (2011), “Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ đâu”, NXB Thanh Niên, Hà Nội

Nhiều tác giả, (2004), “Chính sách công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập (2 tập)”, NXB Thanh Hóa.

Lê Đăng Minh, (2007), “Trung Quốc gia nhập WTO: Tác động và những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh một số ngành công nghiệp Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế.

TS. Lê Đăng Minh

Góp ý
Các tin liên quan