Cơ sở hạ tầng là những điều kiện vật chất của quá trình tái sản xuất mở rộng nền kinh tế quốc dân là điều kiện vật chất kỹ thuật làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội như: hệ thống đường giao thông, cầu, cống, sân bãi, bến cảng, điện, hệ thống cấp thóat nước, thủy lợi tưới tiêu, bưu chính viễn thông, khách sạn, các cơ sở nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục xã hội…Trong nền kinh tế thị trường các sản phẩm được sản xuất ra đều trở thành hàng hóa, vì vậy nếu đứng trên góc độ hàng hóa có thể quan niệm: cơ sở hạ tầng là hàng hóa công cộng để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cơ sở hạ tầng là hàng hóa công cộng tính chất cố định và phát huy tác dụng tại chỗ, nó vừa phục vụ trước mắt vừa phục vụ lâu dài cho nhiều thế hệ mai sau.
Hàng hóa công cộng là hàng hóa có giá trị lớn, thời gian sử dụng dài và đáp ứng nhu cầu sử dụng cho cả cộng đồng. Cơ sở hạ tầng là hàng hóa công cộng nhưng để sản xuất ra hàng hóa này đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, thời gian đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài, hiệu quả đầu tư cho cơ sở hạ tầng không chỉ là lợi nhuận trước mắt mà là hiệu quả có tầm vĩ mô của nến kinh tế trong tương lai. Từ những khó khăn đó nên các nhà đầu tư ít khả năng tài chính và cũng không hấp dẫn họ bỏ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Với những lý do trên, nên không ai khác, chỉ có nhà nước mới có đủ khả năng và điều kiện để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Với quan điểm coi cơ sở hạ tầng là hàng hóa thì ai là người sử dụng hàng hóa đó đều phải có nghĩa vụ đóng góp bằng công sức hoặc bằng tiền để duy trì và phát triển hàng hóa đó. Chẳng hạn nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông, bưu chính viễn thông, khi đưa vào sử dụng thì ai sử dụng con đường đó đều phải có trách nhiệm đóng góp sức như lao động công ích của bản thân để làm đường hoặcbằng tiền thông qua hình thức mua lệ phí giao thông, lệ phí bưu điện nghĩa là mọi người có sử dụng các lợi ích công cộng đều có nghĩa vụ trách nhiệm duy trì và phát triển nó, đồng thời để tái tạo ra những hàng hóa công cộng khác phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.
Cơ sở hạ tầng là tài sản quốc gia được phát triển và kế thừa qua nhiều thế hệ, qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng suy cho cùng thì những tài sản đó được biểu hiện bằng tiền, bằng lượng vốn lớn do tiết kiệm từ bao thế hệ đến ngày nay. Vì vậy, đứng trên góc độ tài chính, có thể hiểu cơ sở hạ tầng là 1 bộ phận của tài sản quốc gia. Nó là một bộ phận giá trị của tổng tiết kiệm quốc gia được đầu tư nhằm đáp ứng các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước. Cơ sở hạ tầng là tài sản quốc gia và cũng như các tài sản khác trong quá trình sử dụng, tài sản đó cũng bị hao mòn vô hình và hao mòn hữu hình. Để khai thác sử dụng có hiệu quả các tài sản đó, nhất thiết phải bù đắp bằng việc duy trì, bảo dưỡng, sữa chữa, thay thế nâng cấp để tận dụng tối đa năng lực vận hành của tài sản hiện có. Mặt khác, cũng cần phải đầu tư phát triển mới những tài sản khác để mở rộng hoặc thay thế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và xã hội.
Cơ sở hạ tầng biểu hiện bằng hiện vật của một bộ phận bằng giá trị tổng tiết kiệm quốc gia. Vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng là số vốn rất lớn. Nó được tích tụ tập trung từ các nguồn, bằng chính sự tiết kiệm của từng con người trong xã hội, của từng tổ chức sản xuất kinh doanh, của từng ngành, từng địa phương từ trong nước, kể cả các nguồn vốn ngòai nước. Phần giá trị tíêt kiệm đó thực chất là tài sản quốc gia. Vì thế, mọi thành viên trong xã hội và chính phủ phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả cao nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế và cải thiện mức sống, nâng cao trình độ văn minh cho con người. Cơ sở hạ tầng có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, bởi đó là cơ sở hạ tầng góp phần đảm bảo tiết kiệm lao động xã hội, thúc đẩy sản xuất với tốc độ cao, góp phần mở rộng thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, tăng thêm khả năng khai thác và sử dụng các nguồn lực quốc gia, tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngòai. Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ tạo điều kiện phục vụ con người tốt hơn, văn minh hơn và góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước.
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là: cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông vận tải, đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường ống, cảng biển. Bảo đảm giao thông suốt bốn mùa trên các tuyến đường, hợp tác với nước ngòai để phát triển hàng không dân dụng trong nước, hiện đại hóa và nâng cao năng lực bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc, coi trọng xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, trước hết là cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa.
Có thể nói Nhà nước rất quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhiều công trình có quy mô lớn như đường dây tải điện 500kv Bắc Nam, cầu Thăng Long, nâng cấp đường sắt, rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc-Nam, xây dựng hệ thống sân bay đã được triển khai.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở nước ta còn yếu kém, lạc hậu, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế như: đường băng sân bay còn lồi lõm, đường bộ còn quá nhiều ổ gà..v..v…Các thành phố lớn thiếu nước dùng, thiếu điện, hệ thống giao thông miền núi quá yếu kém, có nơi trẻ em đi học không cầu phải sử dụng xuồng, ghe. Các nhà đầu tư nước ngòai vào nước ta có chung nhận xét là cơ sở hạ tầng rất yếu kém. Nguyên nhân của tình hình trên là:
- Việt nam chưa có một chiến lược đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn, ổn định, được xây dựng trên cơ sở một chiến lược phát triển kinh tế tổng hợp và hòan chỉnh. Chiến lược kinh tế và chiến lược đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đều mang tính chất phát thảo thiếu cơ sở khoa học. Những thay đổi này chủ yếu được thực hiện để giải quyết những yêu cầu trước mắt, chưa bám sát các mục tiêu tổng quát lâu dài, chưa đón trước được xu hướng của thế giới nhằm phát triển cơ sở hạ tầng đi trước một bước.
- Các chính sách của Nhà nước về đấu tư trước đây thực sự vẫn là chính sách hướng nội. Thể hiện là nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở kinh tế chủ yếu là bằng vốn ngân sách, vốn chủ yếu được đầu tư vào các cơ sở kinh tế thuộc khu vực sản xuất tư liệu sản xuất mà chưa chú ý đến nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Thêm vào đó là với số vốn không nhiều nhưng sử dụng vốn kém hiệu quả, xây dựng các công trình thiếu luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiếu thiết kế dự tóan, không tuân thủ trình tự xây dựng cơ bản, chất lượng không đảm bảo, làm tổn thất tiền vốn.
- Công tác tổ chức bộ máy quản lý còn phân tán, phân cấp không rõ ràng. Chẳng hạn cùng một đối tượng quản lý là đường giao thông nhưng lại có tới 2-3 đơn vị quản lý.
- Nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước mâu thuẫn gay gắt là giữa nhu cầu rất lớn so với khả năng có hạn của nền tái chính quốc gia, mâu thuẫn giữa tích lũy với tiêu dùng, các cơ sở hạ tầng về kinh tế và xã hội vẫn đang còn yếu kém. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2014 và những năm sau là rất nặng nề, vừa phải tiếp tục khắc phục những tồn tại, khó khăn của các năm trước, vừa phải bắt đầu một thời kỳ phát triển mà nhiệm vụ cấp bách là phải tiếp tục giảm tốc độ lạm phát, tạo cho nền kinh tế bắt đầu có tích lũy từ nội bộ. Nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng cơ bản nói chung, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng là rất lớn. Vì vậy trong giai đọan tới, việc huy động, khai thác nguồn vốn cho đầu tư là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
- Theo chúng tôi, trong thời gian tới chính sách và giải pháp quản lý vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phải tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Về huy động vốn trong nước: cần phải kích thích tăng trưởng kinh tế, nhằm khai thác nguồn lực trong nước, đồng thời thực hiện tiết kiệm và đầu tư. Cần sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách về tài chính để vừa khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng giao thông tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, cần hòan chỉnh lại các sắc thuế để vừa thúc đẩy sản xuất phát triển vừa tạo nguồn thu đúng, thu đủ cho nhà nước, đặc biệt là sắc thuế đối với các trường hợp buôn bán bất động sản.
- Cần tuyên truyền vận động việc thu lệ phí. Đây cũng là biện pháp quan trọng để tăng thu cho ngân sách vì nó còn có ý nghĩa ai sử dụng các tiện ích công cộng, các hàng hóa công cộng phải đóng góp bằng việc mua lệ phí.
Cần nghiên cứu, sửa đổi luật đầu tư trong nước để thu hút vốn, khuyến khích mọi người bỏ vốn đầu tư theo từng hạn mục công trình đầu tư lớn lợi nhuận nhiệu, đầu tư nhỏ lợi nhuân ít.
Cải tiến chính sách lãi suất làm sao cho người gửi tiết kiệm phải đạt lãi suất dương .
Nhà nước cần phát hành công trái để xây dựng đường giao thông hoặc xây dựng cầu cống..ở nước ta phát hành công trái để chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng là giải pháp thích hợp. Cần có nhiều lọai công trái để nhân dân lựa chọn và lải suất công trái phải luôn cao hơn lãi suất tiết kiệm
- Cần có cơ chế cụ thể trong việc thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động vốn nhân dân, các tổ chức kinh tế, các doanh nghịệp, cơ quan để xây dựng đường giao thông liên huyện, liên tỉnh, xây dựng trường mẫu giáo…cần tăng cường hệ thống ngân sách cấp xã để có điều kiện thực hiện nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.
- Về huy động nguồn vốn nước ngòai. “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng muốn xây dựng cơ sở hạ tầng tốt cần phải có nguồn vốn từ Chính phủ, khối tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế và các định chế tài chính. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của một chính phủ, quốc gia trong điều kiện kinh tế còn thấp thì rất khó có điều kiện phát triển hạ tầng”. Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng cho nên:
- Cần đẩy mạnh họat động xuất nhập khẩu, phát triển đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, xây dựng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng thị trường tiêu thụ
- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư trực tiếp đặc biệt là áp dụng hình thức xây dựng khai thác chuyển giao (BOT). một hình thức rất thích hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng
- Sử dụng tất cả khỏan viện trợ ODA và các khỏan vay nợ của quỹ tiền tệ quốc tế, ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)
Tài liệu tham khảoPhan Anh - Thiên Chương, (2010), “Việt Nam huy động nhiều nguồn lực kinh tế để phát triển hạ tầng”.
Omkar Shrestha, (2008), “Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam là kết quả của số luợng hơn là của hiệu quả đầu tư”, Báo Straits Time của Singapore.
“Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để làm điểm tựa cho kinh tế”.http:www/vietbao.vn, 21/11/2007
“Những thách thức đối với chiến lược cơ sở hạ tầng Việt Nam”, http:www/vietbao.vn, 6/3/2014
Nguyễn Thị Diễm Châu